Quy định mới dự kiến ban hành khiến công nghệ ô tô Trung Quốc “hết cửa" vào Mỹ
Chính phủ Mỹ đang lấy ý kiến về quy định cấm sử dụng các công nghệ Trung Quốc trong sản xuất ô tô trong nước. Nếu được ban hành, đây chính là chốt chặn quan trọng để công nghiệp ô tô Mỹ thoát khỏi thế phụ thuộc Trung Quốc như hiện nay.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra đề xuất ban hành quy định mới mang tên “Bảo mật chuỗi cung ứng công nghệ thông tin truyền thông và dịch vụ”, gọi tắt là NPRM.
Đây được xem như là một trong những nỗ lực cuối cùng dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden trước khi ông rời Nhà Trắng nhằm ngăn chặn triệt để sự xâm nhập của công nghệ ô tô Trung Quốc  vào thị trường Mỹ dưới mọi hình thức. Hiện Bộ Thương mại đang tích cực đề nghị các công ty có liên quan đưa ra nhận xét và đóng góp trước khi chính thức ban hành.
Theo Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) cho biết, quy định NPRM hướng tới cấm các hoạt động giao dịch liên quan đến phần cứng và phần mềm sử dụng trên xe ô tô với những cá nhân hoặc tổ chức thuộc quyền kiểm soát, sở hữu hay chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ từ chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả Đặc khu hành chính Hong Kong hoặc chính phủ Nga thiết kế, phát triển, chế tạo hay cung cấp.
Quy định nêu trên được Tổng thống Mỹ uỷ quyền trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện, dựa trên phạm vi của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) nhằm xử lý các hoạt động đe doạ nước ngoài đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hay nền kinh tế Mỹ.
Các phương tiện giao thông hiện đại ngày nay không đơn giản chỉ là một cỗ máy cơ khí đơn thuần mà còn ứng dụng nhiều công nghệ hỗ trợ người lái phức tạp để tạo nên sự thoải mái và tiện dụng cho khách hàng cũng như tăng cường an toàn giao thông cho cả chủ xe lẫn người đi bộ. Việc ô tô được kết nối wifi, GPS, Bluetooth hay tích hợp với điện thoại cá nhân là điều không còn xa lạ. Dù vậy, việc không thể kiểm soát chất lượng phần cứng và phần mềm sử dụng trên ô tô có thể tạo điều kiện cho hacker có thể tấn công và thu thập dữ liệu lái xe của chủ phương tiện. Thậm chí, có thể là chiếm quyền điều khiển phương tiện nếu xe có ứng dụng các tính năng tự lái.
Dựa trên lí do này, BIS cho rằng, các quốc gia nước ngoài như Nga và Trung Quốc, vốn là các đối thủ chính trị chính đối đầu với Washington trên chính trường quốc tế sẽ không được cung cấp phần cứng và phần mềm trên xe ô tô nhằm đảm bảo an ninh quốc gia cho Mỹ trong các trường hợp xấu.
Có thể nói rằng, đây là một quyết định hết sức táo bạo và nghiêm khắc, dù cho nó phù hợp với bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, nhưng lại đánh mạnh vào ngành công nghiệp ô tô Mỹ, vốn có sự toàn cầu hoá trong suốt nhiều thập kỷ. Việc một chiếc ô tô có thể sử dụng những linh kiện phần cứng và phần mềm được cung cấp bởi các công ty khắp nơi trên thế giới vốn không phải là điều xa lạ, nhưng nó lại trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ.
Điều này có thể nói là sự chấm hết, cho những tham vọng của các công ty ô tô Trung Quốc, vốn liên tục nhăm nhe muốn đặt chân vào thị trường xe hơi Mỹ thông qua các nhà máy sản xuất ở các quốc gia gần Mỹ như Mexico hay Canada sau khi chính phủ của Tổng thống Joe Biden đã nâng mức thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc lên 100% và 25% đối với ô tô truyền thống đã ban hành trước đó.
Trước mắt, nhiều nhà sản xuất ô tô tại Mỹ sẽ gặp những rắc rối không hề nhỏ khi họ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế khẩn cấp cho không ít linh kiện đang được sử dụng để sản xuất ô tô vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc khi mà thời hạn cấm đang đến rất gần, năm 2027 đối với phần mềm và 2030 đối với phần cứng. Thậm chí, một số mẫu xe cũng có thể sẽ phải thay đổi lại thiết kế để có thể phù hợp với quy định mới này.
Hiện, hàng loạt thương hiệu như Nissan, Hyundai, Volkswagen, Volvo, Tesla hay Ford đều đang đồng loạt có các kiến nghị tham vấn, đóng góp và bổ sung cho quy định NPRM mới.
Các “ông lớn” ô tô Trung Quốc giúp Indonesia hiện thức hóa “giấc mơ xe điện”? 
Quảng cáo nấu lẩu trên xe điện, hãng ô tô Trung Quốc bị chỉ trích thậm tệ