Quý I/2024: VNDirect mất thị phần môi giới ở cả 4 bảng xếp hạng
Sự cố hệ thống bị tấn công ngay những ngày cuối tháng 3 khiến VNDirect (VND) chịu thiệt hại nghiêm trọng. Giảm thị phần môi giới chứng khoán trong quý I là minh chứng dễ thấy nhất.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây công bố top 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch lớn nhất đối trên HNX, UPCoM và thị trường phái sinh.
Đối với cổ phiếu niêm yết, Chứng khoán VPS vẫn dẫn đầu với 24,7% song thị phần đã giảm nhẹ với mức 25,4% của năm 2023.
Sau sự cố vào cuối tháng 3, Chứng khoán VNDirect (Mã VND ) tụt xuống hạng ba với 7,5% thị phần. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vươn lên thứ hai với 7,8% thị phần.
Đáng chú ý, chính TCBS cũng là đối thủ đã thay thế vị trí thứ 3 về thị phần môi giới của VNDirect trên sàn HoSE trong quý I.
Trên UPCoM, Chứng khoán VPS vẫn duy trì thị phần lớn nhất với 22,3% song đã giảm mạnh từ mức 26,95% của cả năm 2023.
VNDirect từ hạng hai lùi xuống hạng 4 với 5,75% thị phần. Chứng khoán SHS là cái tên thay thế với thị phần tăng mạnh lên mức 8%. Đáng nói năm 2023, công ty chứng khoán này thậm chí không xuất hiện trong top 10 thị phần sàn UPCoM.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, VPS vẫn áp đảo khi chiếm tới gần 59%. VNDirect bị đẩy lùi 3 bậc so với năm 2023 xuống hạng 8 với 3,4% thị phần. Chứng khoán DNSE tham gia top thị phần phái sinh quý I với 4,01%, thế chỗ của VNDirect.
Dễ thấy trong quý I, VNDirect là công ty chứng khoán ghi nhận thị phần giảm mạnh ở tất cả các sàn và thị trường phái sinh. Đây là hệ quả của một tuần giao dịch liên tiếp nhà đầu tư không thể truy cập được hệ thống/bảng giá giao dịch chứng khoán VNDirect sau sự cố bị tấn công.
>> VNDirect (VND) công bố chính sách ‘bù đắp’ cho nhà đầu tư sau sự cố hệ thống 
Trong chia sẻ mới nhất gửi khách hàng, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương cho biết hệ thống của VNDirect hiện đã trở lại hoạt động bình thường và ổn định.
Bà Hương thay mặt VNDIRECT đặc biệt gửi lời xin lỗi cũng như biết ơn sự cảm thông, sự kiên nhẫn đồng hành của khách hàng, đối tác; gửi lời cảm ơn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm lưu ký, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An toàn thông tin, PA05 Hà Nội cùng lãnh đạo và đội ngũ công nghệ đến từ các các Tập đoàn FPT, Viettel, BKAV và tất cả chuyên gia công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.
Sau một tuần, hệ thống giao dịch của VNDirect bắt đầu được khôi phục và hoạt động bình thường |
"Trong ngày đầu tiên, dù nhận được rất nhiều sự quan tâm và giúp đỡ của các chuyên gia, nhưng khối lượng công việc quá lớn và phức tạp, chúng tôi đã rất lúng túng…Việc điều hành đã được giao lại cho tổng giám đốc và các nhiệm vụ đã được phân team rõ ràng. Đó là đội giải mã và khôi phục lại hệ thống, đội rà soát và phòng vệ an toàn thông tin, đội hồi phục lại hệ thống giao dịch và dịch vụ và đội truyền thông với khách hàng… Chúng tôi đã có được sự lựa chọn đúng đắn, mời được những chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin và có kinh nghiệm về giải mã độc, điều này giúp cho quá trình giải mã độc được thúc đẩy nhanh hơn rất nhiều", bà Hương cho hay.
Theo Chủ tịch VNDirect, kinh nghiệm với những hệ thống lớn phải mất nhiều tuần và trung bình các vụ tương tự trên thế giới là 22 ngày nhưng quá trình tại VNDirect đã ngắn hơn rất nhiều. Thậm chí chỉ có hai ngày để hoàn tất thủ tục rà soát an toàn thông tin và các điều kiện để sẵn sàng kết nối trở lại. Đó là những ngày cuối tuần không ngủ, vô cùng áp lực vì nếu không kịp lên ngày thứ 2 – tức 1 tuần sau ngày ngưng giao dịch thì khách hàng thật sự bị tổn hại vô cùng.
Bà Hương dành nhiều lời khen và biết ơn tới những chuyên gia đã tham gia xử lý ứng cứu sự cố và sự tiếp sức liên tục từ các Cơ quan hữu trách của Nhà nước.
Nữ Chủ tịch chia sẻ, thời điểm kết nối giao dịch lại vào sáng ngày 1/4/2024 cũng là lần đầu tiên bà cùng đội ngũ công ty "chảy nước mắt vì sung sướng và biết ơn". Bà Hương cho biết công ty thiệt hại thật sự rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín nhưng không lãng phí vì đã học ra được rất nhiều bài học quý báu trong quá trình này.