Rà soát DN phát hành trái phiếu có tài chính yếu kém: Eagle Side, Air Link lỗ triền miên, doanh thu 0 đồng

28-04-2022 11:18|Hồng Nam

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, những đơn vị có tình hình tài chính yếu kém cũng vào tầm ngắm. Air Link, Worldwide Capital là những cái tên đáng chú ý đầu tiên khi lỗ triền miên nhưng vẫn hút tiền khủng trong quý 1/2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa yêu cầu Vụ Tài chính Ngân hàng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2022.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát tổng thể các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ để đánh giá theo các tiêu chí về khối lượng phát hành, phát hành lãi suất cao, doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu không có tài sản đảm bảo và không được bảo lãnh thanh toán; trái phiếu có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp, phục vụ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra.

trai-phieu-1.jpg
Sau khi Bộ Tài chính yêu cầu rà soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài chính yếu kém, nhiều cái tên đã lộ diện.

Từ năm 2021, Thủ tướng và các cơ quan chức năng thường xuyên yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu, đặc biệt với các công ty bất động sản. Trái phiếu càng nóng hơn sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến các lô trái phiếu này.

Tới đầu năm 2022, phát hành trái phiếu dù giảm mạnh nhưng vẫn tăng cao so với các quý 1 nhiều năm trươc đó.

Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1/2022 đạt mức 45.374 tỷ đồng, giảm 84,9% so với quý trước dù vẫn tăng mạnh 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải dẫn đầu với 5.980 tỷ đồng. Đứng sau là CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (5.900 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng), CTCP Air Link (3.810 tỷ đồng) và CTCP Worldwide Capital (3.410 tỷ đồng).

Điểm đáng chú ý, những đơn vị này đều có đặc điểm chung là doanh thu đì đẹt, thậm chí 0 đồng, dẫn đến thua lỗ triền miên.

Với “quán quân” phát hành trái phiếu của quý 1/2022, Tường Khải tiền thân là CTCP Charm Grace, được thành lập vào tháng 6/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà để ở.

Công ty này ban đầu có vốn điều lệ 320 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập: bà Lê Thị Tuyết Vân (75% vốn điều lệ), bà Lê Thị Ngọc Bích (22,5%) và bà Trương Ngọc Hoa (2,5%).

Đến ngày 7/1, Tường Khải tăng mạnh vốn điều lệ lên 661,5 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (SN 1995) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ngược lại với sự tăng nóng về vốn điều lệ và phát hành trái phiếu, Xây dựng Tường Khải lại có bức tranh tài chính khá yếu kém.

Trong năm đầu hoạt động, Xây dựng Tường Khải không có doanh thu nên ghi nhận khoản lỗ 597 triệu đồng. Đáng chú ý, mới đi vào hoạt động nhưng công ty lại nhanh chóng nợ nần. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả lên đến 546 tỷ đồng, cao gấp 3,1 lần vốn.

Eagle Side được thành lập từ tháng 6/2017; hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, nhà các loại...

Quy mô vốn điều lệ của Eagle Side là 300 tỷ đồng, do bà Chung Bội Linh (SN 1991) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 92%.

Tổng tài sản của Eagle Side trong năm 2017 hơn 1.180 tỷ đồng. Sang năm 2018 tăng nhẹ lên mức 1.240 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2019 và năm 2020, tổng tài sản của Eagle Side liên tục giảm rất mạh, bốc hơi gần gần 80% tổng tài sản, xuống còn 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 4 năm hoạt động (2017 - 2020), doanh thu của Eagle Side ở mức 0 đồng. Điều này khiến lợi nhuận của Eagle Side luôn trong tình trạng báo lỗ.

Cụ thể, năm 2017, Eagle Side lỗ 47,5 tỷ đồng; năm 2018, Eagle Side tiếp tục lỗ 220 triệu đồng. Năm 2019, Eagle Side bất ngờ báo lãi 281 triệu đồng. Dù vậy, niềm vui của Eagle Side chỉ kéo dài trong 1 năm, sang năm 2020, Eagle Side tiếp tục ghi nhận mức lỗ 180 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi phát hành trái phiếu, tại ngày 10/1/2022, vốn điều lệ của Eagle Side đã nâng lên mức 739,5 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Ngô Thái Mỹ (SN 1992).

CTCP Air Link thành lập năm 2015 với người đại diện pháp luật là ông Võ Thanh Sơn. Vốn chủ sở hữu công ty không biến động nhiều, đều ở sát 360 tỷ đồng trong vài năm gần đây.

Trong giai đoạn 2016-2020, Air Link chưa từng phát sinh doanh thu và ghi nhận các khoản lỗ lần lượt là 216 triệu đồng, 41,4 triệu đồng, 103 triệu đồng, 193 triệu đồng và 190 triệu đồng.

CTCP Worldwide Capital thành lập năm 2015 với người đại diện là Hồ Thị Nguyên Thủy. Ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Sau nhiều năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của công ty sát mốc 300 tỷ đồng. Và cũng như Air Link, công ty có chuỗi ngày dài doanh thu 0 đồng. Trong các năm từ 2016 đến 2020, Worldwide Capital lần lượt lỗ 216 triệu đồng, 87,1 triệu đồng, 126 triệu đồng, 131 triệu đồng và 133 triệu đồng.

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ra-soat-dn-phat-hanh-trai-phieu-co-tai-chinh-yeu-kem-eagle-side-air-link-lo-trien-mien-doanh-thu-0-dong-125422.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Rà soát DN phát hành trái phiếu có tài chính yếu kém: Eagle Side, Air Link lỗ triền miên, doanh thu 0 đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH