Sâm Ngọc Linh được ví như “quốc bảo” của Việt Nam với giá bán siêu đắt đỏ. Song, những ngày này, sâm Ngọc Linh được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội. Những củ sâm mập ú 6-8 tuổi giá chỉ 300.000 đồng/củ.
Biết sâm Ngọc Linh có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, cách đây gần một năm, chị Hoàng Thị Hải ở Tây Hồ (Hà Nội) chi 70 triệu đồng để mua 1kg sâm Ngọc Linh 6-7 năm tuổi về ngâm mật ong. Dịp này, chị muốn tìm mua thêm, bởi sâm ngâm trước đó gia đình đã sử dụng gần hết.
Thế nhưng, thay vì có giá vài chục triệu đồng, chị Hải thấy trên “chợ mạng” nhiều người rao bán sâm Ngọc Linh giá chỉ 1,5-3 triệu đồng/kg cho loại từ 6-7 năm tuổi.
“Củ sâm Ngọc Linh mập ú, rẻ hơn cả giá tam thất tươi. Người bán còn đăng kèm giấy kiểm định chất lượng”, chị nói.
Thấy giá rẻ, chị Hải cũng ham mua nhưng vẫn băn khoăn về chất lượng của loại sâm Ngọc Linh này.
Thực tế, hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh diễn ra rầm rộ trên khắp các chợ online. Sâm Ngọc Linh rao bán phần lớn là loại sâm 6-7 năm tuổi hoặc 3-4 năm tuổi.
Sâm Ngọc Linh được bán dưới dạng cả cây (củ, thân, lá và hoa) và dạng nguyên củ. Giá sâm phụ thuộc vào từng loại. Dân buôn chỉ rao bán vài củ hoặc lô 2-5kg sâm Ngọc Linh mỗi lần.
Trên facebook Thu Pham - chuyên bán đặc sản Tây Bắc - gần một tháng nay ngày nào cũng rao bán sâm Ngọc Linh các loại. Người này khẳng định đây là sâm được trồng ở Quảng Nam, một số cây bị nhà vườn “bỏ quên” nên củ nặng cả cân nay bán giá rẻ.
Hiện đầu mối này bán sâm Ngọc Linh loại 19-20 củ/kg có giá 1,3 triệu đồng/kg; loại 9-10 củ/kg giá 2,5 triệu đồng/kg; loại 7-8 năm tuổi giá chỉ hơn 3 triệu đồng/kg. Có những lô sâm 6-7 năm tuổi giá chỉ hơn 1 triệu đồng/kg được rao bán với lý do “nông dân cần tiền gấp nên bán rẻ”.
“Do giá rẻ nên các lô hàng đều đắt như tôm tươi. Sâm rao bán đến đâu có khách đặt mua đến đó”, chị Thu Pham chia sẻ.
Có facebook chuyên sâm Ngọc Linh còn rao bán sâm 7 năm tuổi “quốc bảo” của Việt Nam giá chỉ gần 300.000 đồng/củ, kèm theo đó là hình ảnh giấy kiểm định chất lượng sâm và cam kết khách đặt hàng có thể kiểm tra trước khi thanh toán.
Mới đây, tại diễn đàn về ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục QLTT tỉnh Kon Tum), cho biết, trên mạng xã hội bày bán tràn lan từ cây giống, hạt giống đến củ sâm Ngọc Linh.
Thậm chí, các đầu mối rao bán sâm Ngọc Linh và Lai Châu giả mạo còn sử dụng hình ảnh lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, hình ảnh người nông dân trồng sâm... để bán hàng.
Khối lượng sâm bán trên mạng xã hội rất nhiều, mua bao nhiêu cũng có, ông Phúc cho hay.
Đại tá Đỗ Đình Cường - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu), cho hay, các đối tượng buôn lậu sâm kết nối với các chủ buôn Trung Quốc, thống nhất giá cả, vận chuyển, bỏ sâm Trung Quốc vào thùng rồi thả trôi sông ở khu vực biên giới. Đối tượng bên Việt Nam sẽ đón nhận hàng.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch HĐQT Sâm Sâm Group - cho hay, sâm Ngọc Linh thường có giá trên 100 triệu đồng/kg, áp dụng cho loại sâm đủ tuổi khai thác (5 tuổi trở lên). Bởi, khi đủ tuổi, các hoạt chất trong củ sâm mới đạt được ngưỡng nhất định và ngược lại.
Song, cũng có loại sâm Ngọc Linh giá 40-50 triệu đồng/kg được bán trên thị trường. Theo ông Lực, đây là sâm loại 4-5 năm tuổi, hàng loại, cây bị sâu bệnh nên dân khai thác đem bán. Chất lượng loại sâm này không thể bằng được hàng đủ tuổi nên giá rẻ hơn.
Còn loại sâm Ngọc Linh củ mập ú được rao bán trên mạng với giá rẻ chỉ vài triệu đồng mỗi cân, ông Lực cho rằng đó có thể là củ tam thất hoặc sâm không rõ nguồn gốc.
Theo ông, để tránh mua phải sâm Ngọc Linh giả, người mua có thể đem sâm đi kiểm nghiệm kiểm tra các hoạt chất trong sâm. Bởi, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là sâm Ngọc Linh thật và đâu là hàng giả, hàng nhái.
“Với những người trồng sâm chỉ cần nhìn, ngửi mùi đã có thể phân biệt được rõ ràng. Tuy nhiên, người tiêu dùng ít tiếp xúc khó có thể phân biệt chính xác”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng đề xuất các địa phương hoặc Hiệp hội sâm Ngọc Linh công khai giá sàn sâm trên website, định kỳ 1 tháng 1 lần hoặc 15 ngày/lần. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó để so sánh, đánh giá khi chọn mua sâm trên thị trường.
Trồng cây ‘quốc bảo’, nông dân Kon Tum thu nhập hàng chục tỷ mỗi hecta 
Loài cây giúp người dân Kon Tum đổi đời: Trồng 1ha thu về hơn 32 tỷ đồng