Reuters: Trung Quốc sử dụng mã nguồn mở của Meta để phát triển mô hình AI sử dụng trong quân sự
Việc các viện nghiên cứu liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã khai thác Llama để phát triển AI quân sự đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc tế.
Reuters đưa tin trong một báo cáo hồi tháng 6, 6 nhà nghiên cứu Trung Quốc từ 3 viện nghiên cứu, bao gồm 2 viện trực thuộc Học viện Khoa học Quân sự (AMS) của PLA, đã phát triển công cụ AI "ChatBIT" dựa trên mô hình Llama của Meta.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Llama 2 với kích thước 13B, sau đó điều chỉnh lại mô hình này với các tham số mới để tạo ra một công cụ AI phục vụ mục đích quân sự. Công cụ này nhằm thu thập, xử lý thông tin tình báo và hỗ trợ ra quyết định trong tác chiến.
Theo báo cáo, ChatBIT được tối ưu hóa cho các nhiệm vụ đối thoại và hỏi-đáp trong lĩnh vực quân sự, và hiệu quả hơn một số mô hình AI khác với hiệu suất đạt khoảng 90% so với ChatGPT-4 .
Sunny Cheung từ Quỹ Jamestown nhận định, sự kiện này là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy các chuyên gia quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu có hệ thống và tận dụng sức mạnh của các mô hình mã nguồn mở như của Meta cho các mục đích quân sự .
Mặc dù Meta công bố rộng rãi các mô hình AI như Llama, công ty đã đặt ra các giới hạn sử dụng, bao gồm yêu cầu cấp phép đối với dịch vụ có trên 700 triệu người dùng và cấm sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, do tính chất công khai của mô hình, việc thực thi các hạn chế này gặp khó khăn.
Meta cho rằng Hoa Kỳ cần thúc đẩy đổi mới mở rộng trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu. Người phát ngôn Meta cho biết: "Trong bối cảnh Trung Quốc đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD để vượt qua Mỹ trong lĩnh vực AI, vai trò của một mô hình mã nguồn mở từ Mỹ không còn là yếu tố then chốt".
Các nhà nghiên cứu, bao gồm Geng Guotong và Li Weiwei từ AMS cùng các chuyên gia từ Viện Công nghệ Bắc Kinh và Đại học Dân tộc Trung Quốc, cho biết ChatBIT sẽ được mở rộng sang lập kế hoạch chiến lược, huấn luyện mô phỏng và ra quyết định chỉ huy.
Reuters chưa xác minh được khả năng thực tế của ChatBIT. Mô hình này chỉ được đào tạo với 100.000 mẫu đối thoại quân sự, ít hơn nhiều so với các mô hình LLM khác.
Tranh luận về việc công khai mô hình AI đang ngày càng gay gắt tại Mỹ. Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh quản lý phát triển AI vào tháng 10/2023, và Washington gần đây đã ban hành quy định mới kiểm soát đầu tư vào công nghệ Trung Quốc, bao gồm AI, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Reuters
>> IMF: Căng thẳng thương mại và tăng trưởng yếu của Trung Quốc có thể 'đe dọa' kinh tế châu Á
Google cập nhật bản đồ, làm lộ vị trí quân sự của Ukraine 
Doanh thu của Microsoft vượt kỳ vọng, nhưng "gánh nặng" AI gây lo ngại