ROS - Vốn ảo, thiệt hại thật và hành trình lách luật của "đế chế" FLC

03-09-2022 08:00|Thu Hiền

Sáu năm là khoảng thời gian không quá dài đối với lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt song chừng đó là đủ để một FLC Faros ghi dấu ấn đậm nét với hàng vạn cổ đông đã “dành tình cảm” cho “cựu” cổ phiếu VN30 này.

“Huyền thoại” ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) từng là cái tên “sáng” nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2017, cũng là “siêu cổ phiếu" đã đưa ông Trịnh Văn Quyết vào vị trí giàu nhất sàn chứng khoán thời bấy giờ. Thị giá tăng hơn 21 lần chỉ sau 1 năm lên sàn cùng với thanh khoản bùng nổ giúp ROS lọt vào rổ VN30 và trở thành điểm thu hút dòng tiền của nhà đầu tư bao gồm cả các quỹ đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, ROS đã nhanh chóng lao dốc về vùng “trà đá” kể từ mức đỉnh 214.000 đồng/cp hồi tháng 11/2017 song mã vẫn ngồi chễm chệ trong rổ VN30 trong suốt hơn 3 năm. Cho đến cuối năm 2021, cùng với cơn “sóng thần” của họ cổ phiếu FLC, ROS đã trở lại đường đua tăng giá. 

Không riêng gì ROS, những cái tên khác trong hệ sinh thái FLC luôn nằm giữa ranh giới hào quang và bóng tối, lúc lên nhanh như diều gặp gió khi lại rơi không thấy đáy. Dù nhiều lần nhận được cảnh báo về sự tăng giảm bất thường của các cổ phiếu họ FLC, nhiều nhà đầu tư vẫn kiếm bộn tiền nhờ “nương theo sóng”. Lợi ích đến nhanh khiến nhiều người bất chấp rủi ro hiện hữu, đổ tiền bắt “dao rơi” với hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng. 

Lợi ích đến nhanh khiến nhiều người bất chấp rủi ro hiện hữu, đổ tiền bắt “dao rơi” với hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng.

Thời điểm hiện tại, “thần may mắn” đã không còn mỉm cười đối với các nhà đầu cơ ROS; thời kỳ huy hoàng đã chính thức khép lại khi hơn 567 triệu cổ phiếu ROS nhận án huỷ niêm yết. Chưa kịp định thần trước tin xấu đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), cổ đông ROS nhận tiếp cú sốc khi sự thật về vốn và giá trị tài sản của công ty xây dựng nhà FLC bị phát giác. Các nhà đầu tư “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” trước kết quả điều tra FLC Faros tăng vốn ảo 2.800 lần trong giai đoạn 2014 - 2016.

Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng nhiều cá nhân liên quan đã bị khởi tố với tội danh thao túng giá cổ phiếu và tăng vốn khống tại ROS lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để “con voi” ROS có thể chui lọt “lỗ kim” (các khâu quản lý nghiêm ngặt về tăng vốn, niêm yết và giao dịch trên thị trường; có sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức nào giúp ROS tung hoành trong quá khứ)?

Trong giai đoạn 2014 - 2016, ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện thủ tục tăng vốn khống tại FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (theo thông tin điều tra từ Bộ Công An). 

Lật lại quá khứ, ngay trước thềm niêm yết trên HOSE, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hàng trăm lần nhưng phần lớn tiền góp vốn được rút ra ngay lập tức dưới dạng ủy thác đầu tư. 

Theo bản cáo bạch năm 2016, ROS khởi động lần tăng vốn đầu tiên vào ngày 24/04/2014 khi ĐHCĐ thông qua Nghị quyết số: 01/ĐHĐCĐ-VH về việc tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 225 tỷ đồng. Các đợt tăng vốn sau đó (từ năm 2015 và năm 2016) ROS đã giải trình và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ cho Công ty kiểm toán về tính chính xác của tình hình góp vốn và sử dụng vốn của công ty. 

Sau đợt tăng vốn kết thúc vào tháng 3/2016, FLC Faros chính thức đưa 430 triệu cổ phiếu ROS niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Ngày giao dịch đầu tiên là ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu đạt 10.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2016 của ROS, Công ty TNHH Kiểm toán ASC đã đưa ra lưu ý "Tại đợt tăng vốn điều lệ quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".

Thuyết minh báo cáo này cũng đồng thời chỉ ra việc FLC Faros ủy thác gần 100 tỷ đồng cho ông Nguyễn Quang Trung và 400 tỷ cho ông Trần Văn Toản, cổ đông của ROS(có thể hiểu là 2 cá nhân này đã góp tiền để FLC Faros tăng vốn trước khi ngay lập tức nhận lại tiền do FLC Faros “ủy thác đầu tư”).

Quy trình này lặp lại 18 lần chỉ trong một ngày qua đó thúc đẩy việc tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng và nâng tổng số tiền FLC Faros ủy thác đầu tư cho các cá nhân tại ngày 30/6/2016 lên 1.417 tỷ đồng và cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng.

Kết quả của vòng lặp này là sự bất thường trong cấu trúc tài chính của FLC Faros. Công ty xây dựng có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng và lọt top đầu ngành trên thị trường nhưng gần như toàn bộ tài sản lại tồn tại dưới dạng “ủy thác đầu tư”.

Kết quả của vòng lặp này là sự bất thường trong cấu trúc tài chính của FLC Faros. Công ty xây dựng có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng và lọt top đầu ngành trên thị trường nhưng gần như toàn bộ tài sản lại tồn tại dưới dạng “ủy thác đầu tư”.  Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2015, FLC Faros thu 2.800 tỷ đồng từ tăng vốn nhưng chi ra gần 2.700 tỷ đồng để cho vay.

Năm 2016, ROS cũng ghi nhận tiền thu từ cổ đông góp vốn hơn 462 tỷ đồng, tiền chi ra cho đầu tư lên đến 436 tỷ. Đáng chú ý, chiếm phần lớn trong danh sách nhận đầu tư của FLC Faros là các công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC cùng hàng loạt cá nhân khác trong đó có những cá nhân là cổ đông của doanh nghiệp, góp tiền tăng vốn và có thỏa thuận ủy thác đầu tư với công ty. Điểm bất thường này cũng được thể hiện ở "vấn đề cần nhấn mạnh" trong ý kiến của đơn vị kiểm toán.

Trước đó, trong 2 năm 2014 và 2015, Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA HANOI) cũng liên tiếp đưa ra những lưu ý cho người đọc về vấn đề dòng tiền ủy thác đầu tư. Trong năm 2015, FLC Faros ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với tổng số tiền là 3.332 tỷ đồng - chiếm tới 73,6% tổng tài sản. Vốn góp cổ phần của FLC Faros thời điểm đó cũng chỉ có 3.037 tỷ đồng - nhỏ hơn số tiền được chính công ty mang đi ủy thác đầu tư.

Phần phụ lục thuyết minh tài chính của ROS giai đoạn này thể hiện 12 hợp đồng ủy thác đầu tư với nhiều cá nhân và tổ chức. Lãi suất ủy thác đầu tư của các hợp đồng thường giao động từ 4 - 6%/năm cho đến ngày kết thúc thời hạn ủy thác. Tuy nhiên, phía CPA HANOI đã chỉ ra một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn, hoàn toàn không thông qua giao dịch ngân hàng. Như vậy, rất có thể các hợp đồng ủy thác không có thật, mà chỉ thể hiện dưới dạng tiền mặt giữa công ty với các nhà đầu tư như hình thức để tạo tài sản ảo.



Không riêng gì ROS, vốn các đơn vị còn lại thuộc Tập đoàn FLC cũng tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Năm 2010, vốn điều lệ của FLC tăng từ 18 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Đáng chú ý, số vốn tăng lên này được báo cáo nộp đủ nhưng sau đó lại được chi ra cho một công ty khác là cổ đông lớn của FLC (sở hữu 31% vốn). Nghĩa là sau khi góp vốn vào FLC thì cổ đông này rút ra nhiều hơn thông qua bút toán (ghi nhận sổ sách) cho vay đồng thời FLC còn thành lập các công ty con bằng cách bút toán đầu tư tài chính. 

Theo đó, tiền từ các công ty con tiếp tục được rút ra khỏi FLC. Bút toán này cho thấy toàn bộ vốn góp vào công ty con đều đã rút ra ngay sau đó.

Việc tăng vốn dễ dàng bằng phương pháp tạo ra các bút toán đối ứng với phần vốn góp thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc,… đã đẩy vốn điều lệ của FLC tăng vượt 7.000 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.

Việc tăng vốn dễ dàng bằng phương pháp tạo ra các bút toán đối ứng với phần vốn góp thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc,… đã đẩy vốn điều lệ của FLC tăng vượt 7.000 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại. 

Bên cạnh đó, FLC liên tục gia tăng tài sản bằng cách "điều chuyển tiền" từ những công ty được lập mới là những công ty con, công ty liên kết, công ty góp vốn đầu tư từ "hệ sinh thái FLC" thông qua bút toán “các khoản phải trả, phải trả khác, ứng tiền trước hay vay ngắn - dài hạn”… 

Theo đó, quy mô tài sản của FLC đã được nâng lên đến 30.000 tỷ đồng. Có thể thấy, chẳng cần phải có “tiền tươi thóc thật”, FLC đã nhanh chóng dựng lên số tài sản khổng lồ.

Quá trình tăng vốn của 3 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC

Nối tiếp thành công của FLC, các hoạt động của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã giúp tổng tài sản của FLC Faros đạt 11.000 tỷ đồng.

Tương tự, trong giai đoạn 2013 - 2016, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) cũng được tăng vốn từ 9,9 tỷ đồng lên 623 tỷ đồng và hiện đạt 1.635 tỷ đồng. Quy mô tài sản của AMD tại thời điểm kết quý II/2022 cũng lên tới 2.446 tỷ đồng. 

Vậy tại sao ông Quyết lại phải tăng vốn khống “những đứa con tâm huyết” của mình?

Kể từ khi thị trường chứng khoán bùng nổ, giá cổ phiếu tăng cao đem lại lợi nhuận lớn cho các cổ đông, nhà đầu tư; việc đưa cổ phiếu lên sàn tại nhiều doanh nghiệp "biến chất" đã trở thành một cách thức kiếm lợi là một cách phát triển kinh doanh… và việc gấp gáp tăng vốn trước khi lên sàn có vẻ như đang mang đến “hiệu quả” nhất định?

Tồn tại những giao dịch tăng vốn bất thường, cùng nhiều lưu ý của kiểm toán nhưng ROS vẫn vượt qua quy trình đăng ký niêm yết và hoàn tất thủ tục để niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016. 

Cụ thể, ROS được chấp thuận đăng ký niêm yết vào ngày 24/8/2016 và sau đó chính thức niêm yết HOSE ngày 1/9/2016. Với thị giá tăng chóng mặt, ROS sau đó còn vào rổ Bluechip VN30 trong một thời gian dài, thậm chí có thời điểm ông Trịnh Văn Quyết vươn lên trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ROS. Chỉ sau khoảng 1 năm, thị giá của ROS đã tăng gấp 15 lần so với giá chào sàn. 

Tuy nhiên, ROS nhanh chóng quay đầu sụt giảm xuống vùng “giá trà đá” 2.000 - 5000 đồng/cp sau khi xác lập đỉnh vào phiên 1/11/2017 với mức giá 155.700 đồng/cp.

Những nhà đầu tư không kịp thoát hàng trước pha lao dốc không phanh của ROS từ năm 2017 hay đợt trồi sụt vừa qua đã chấp nhận mất khoản tài sản lớn để đổi lấy bài học "xương máu" trong chặng đường đầu tư.

Những nhà đầu tư không kịp thoát hàng trước pha lao dốc không phanh của ROS từ năm 2017 hay đợt trồi sụt vừa qua đã chấp nhận mất khoản tài sản lớn để đổi lấy bài học "xương máu" trong chặng đường đầu tư.

Ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân liên quan đã bị bắt và bị khởi tố trước hàng loạt các hành vi sai phạm. Theo điều tra, tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS do cá nhân và số cổ phiếu ROS được sở hữu bởi 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên). Số tiền thu được tổng cộng hơn 6.412 tỷ đồng và đã được ông Quyết rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Vốn ảo, tài sản ảo nhưng thiệt hại đã là thật. Mặc dù những cá nhân trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật song tổn thất về mặt tinh thần và tài sản sau những đợt thao túng giá đối với nhiều nhà đầu tư là không thể khắc phục - đặc biệt là khi ROS bị hủy niêm yết trên HOSE. 

Cá nhân, tổ chức nào sẽ  chịu trách nhiệm khi để ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện trót lọt “cú lừa ngoạn mục” mang tên FLC Faros là câu hỏi lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Pháp luật quy định rõ về điều kiện để được niêm yết tại HOSE, căn cứ theo Điểm 6.4 Khoản 6 Điều 5 Quyết định 346 về quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ.

"Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không phải là các khoản ngoại trừ liên quan đến các khoản mục: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp và các khoản mục trọng yếu khác như: Tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả và khoản ngoại trừ do không hợp nhất công ty con".

Trong trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ đối với các khoản mục khác không phải các khoản mục nêu tại Điểm 6.4 Khoản 6, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ.

Theo Khoản 11, 12 Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, doanh nghiệp kiểm toán chịu trách nhiệm trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết; chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán.

Kết hợp với quy định tại Điều 59 của luật này quy định về các hành vi vi phạm về kiểm toán độc lập bao gồm: "Việc thiếu cẩn trọng dẫn đến sai sót hoặc làm sai lệch kết quả kiểm toán; Cố tình xác nhận báo cáo tài chính có gian lận, sai sót hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, hồ sơ kiểm toán và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật”.

Như vậy, các đơn vị kiểm toán cho FLC Faros trong giai đoạn 2014 - 2016 khó tránh khỏi liên quan trong vụ việc này. Tuy nhiên, các đơn vị này đã thực hiện phần nào nghĩa vụ của mình. Cụ thể, dù đơn vị kiểm toán đã nhấn nút "ok" cho báo cáo tài chính song vẫn đưa ra nhiều lưu ý và nhấn mạnh đối với các con số bất thường.

"Cơ quan công an làm rõ trách nhiệm của những người quản lý, thanh tra, giám sát thị trường, của sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chứ không thể “phủi tay” trong câu chuyện này”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI đề nghị

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đã đồng ý cho ROS "cũng không thể vô can". Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI đề nghị "Cơ quan công an làm rõ trách nhiệm của những người quản lý, thanh tra, giám sát thị trường, của sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chứ không thể “phủi tay” trong câu chuyện này”. 

Theo ông Hải, ngay “bộ lọc” đầu tiên là khâu cấp phép niêm yết nếu làm có trách nhiệm thì sẽ không xảy ra chuyện này và nhà đầu tư cũng không phải chịu thiệt hại. Tại thời điểm ROS được chấp thuận niêm yết, ông Trần Văn Dũng đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc HOSE và sau đó năm 2017, ông Dũng trở thành Chủ tịch UBCKNN. 

Mới đây ngày 19/5/2022, ông Dũng đã bị Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kỷ luật cách chức do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân "vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính".

Ngày 28/8, UBCKNN cũng đã lên tiếng về "lùm xùm" tại ROS. Theo đó, việc tăng khống vốn điều lệ xảy ra tại FLC Faros trước khi doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu ROS trên thị trường chứng khoán. Như vậy, hành vi này vi phạm khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp về “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

“Theo quy định pháp luật thì hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh”, UBCK cho biết.

Trong môi trường đầu tư mở, quyết định mua bán cổ phiếu vẫn là do nhà đầu tư. Đã có rất nhiều cảnh báo về cổ phiếu rác, cổ phiếu “lừa đảo” tăng giá phi mã. Cổ phiếu đội lái bơm thổi khiến nhiều người được - mất. Chính vì vậy, Nhà nước, UBCKNN, chuyên gia luôn khuyến cáo các nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ càng khi tham gia đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người cần có trách nhiệm với số vốn của mình, trang bị kiến thức đầy dủ và đừng "hùa theo số đông".

Tại thời điểm ngày 2/9/2022, 3 trong 7 mã cổ phiếu "họ" FLC đã nhận quyết định đình chỉ giao dịch là ROS, HAI, FLC; 3 trong 4 mã còn lại bị cắt margin do chậm công bố BCTC soát xét bán niên 2022 bao gồm ART, KLF và GAB. Khoáng sản AMD mới đây cũng báo lỗ 22 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Xem các bài viết khác thuộc chủ đề: ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT VÀ NỖI ĐAU CỦA NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU HỌ FLC

FLC Faros (ROS) họp ĐHĐCĐ bất thường ngay trước thềm phiên phúc thẩm vụ Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm án 21 năm tù, có 7 luật sư bào chữa phiên phúc thẩm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ros-von-ao-thiet-hai-that-va-hanh-trinh-lach-luat-cua-de-che-flc-146919.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    ROS - Vốn ảo, thiệt hại thật và hành trình lách luật của "đế chế" FLC
    POWERED BY ONECMS & INTECH