Rót trăm triệu cho con 'làm liều', lão nông có ngay khu vườn thu tiền tỷ
Nghe con trai nói về ý tưởng phá bỏ vườn mít để chuyển sang trồng dưa lưới với số vốn đầu tư lớn, lão nông Nguyễn Hải phát hoảng nhưng cũng rót cho con 100 triệu làm liều. Đến nay, ông sở hữu vườn cây cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Nông dân mà, bỏ ra bạc tỷ là sợ”
Dẫn đoàn khách vào vườn dưa lưới  trĩu quả chỉ còn 15 ngày nữa cho thu hoạch, ông Nguyễn Hải (ở phường Bảo Vinh, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khoe tới đây sẽ đầu tư thêm một vườn trồng dưa lưới công nghệ cao diện tích 1.000m2. Như vậy, gia đình ông sẽ có 6 vườn chuyên trồng dưa lưới.
Bước sang tuổi 56, ông Hải đã có vài chục năm theo nghề nông. Diện tích đất nông nghiệp của gia đình lên tới 4ha, nhưng bao năm qua chủ yếu trồng mít. Giá mít luôn bấp bênh, hiện khá rẻ nên thu nhập thấp. Trừ đi chi phí, 1ha mít chỉ cho lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
“Nông dân như tôi vẫn tính ăn chắc mặc bền, lãi không nhiều nhưng năm nào cũng có thu, trừ những năm thiên tai dịch bệnh”, ông nói. Thế nên, trước kia, gia đình ông ngại thay đổi, đặc biệt là phải bỏ ra khoản tiền lớn.
Cách đây 5 năm, con trai ông Hải đi học ở nước ngoài về và nói ý tưởng làm nông nghiệp công nghệ cao, muốn áp dụng trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Lúc đó, ông nghe mà chẳng hiểu gì, vì năm này qua năm khác chỉ quanh quẩn bên vườn mít, sản xuất theo kiểu truyền thống với kinh nghiệm tích lũy của bản thân.
Đến khi cậu con trai thuyết phục rằng mình đã tận thấy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Israel và ở Việt Nam đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông cũng gật gù. Song nhắc đến khoản vốn đầu tư lớn, ông phát hoảng.
“Nông dân mà, bỏ ra cả trăm triệu, sợ chứ. Vốn liếng của tôi có hạn, đi vay ngân hàng cũng rất khó khăn”, ông Hải tâm sự.
Tuy nhiên, sau nhiều lần cân nhắc, ông quyết định cho con 100 triệu đồng làm vốn xây dựng vườn trên diện tích 500m2. Lúc đó, số tiền ấy có giá trị rất lớn đối với một gia đình thuần nông. Cuối cùng, ông quyết định làm liều, xác định mất thì thôi.
Vườn rộng 500m2, nhưng do vốn ít nên con trai ông chỉ trồng dưa lưới trên 300m2. Ngay vụ đầu tiên, dưa cho thu hoạch bán được với giá hơn 60.000 đồng/kg, thu về 80 triệu đồng, gần đủ số vốn bỏ ra.
Thấy được hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao đem lại, ông và con trai quyết định mở rộng diện tích sản xuất theo hướng này.
1ha cho thu 3,5 tỷ đồng
Ông Hải chia sẻ, làm nông nghiệp theo cách truyền thống bao nhiêu năm qua, trời nắng cũng như trời mưa đều phải ra đồng, ra vườn. Công việc tương đối vất vả, chi phí thuê mướn nhân công lao động tốn kém.
Còn với nông nghiệp công nghệ cao, công lao động giảm, chi phí phân bón thấp, không phải dùng thuốc bảo vệ vì làm nhà màng. Tưới tiêu nước lại tự động, chỉ cần ấn nút hoặc vườn xa thì điều khiển thông qua app trên điện thoại thông minh, rất tiện lợi.
Việc chăm sóc vườn dưa nhàn hạ. Mùa hè, ông Hải có thể vào vườn chăm sóc dưa từ sáng sớm hay chiều tối khi trời đã tắt nắng, bởi có điện chiếu sáng. Ông không phải đội nắng như trước.
Hiện nay, diện tích dưa lưới nhà ông đã mở rộng lên tới 5.000m2. Một số hộ dân trong vùng cũng trồng tạo thành tổ hợp tác nhằm sản xuất theo cùng một quy trình, tạo ra số lượng dưa đủ lớn để cung cấp vào các cửa hàng trái cây.
“Siêu thị cũng ngỏ ý đặt mua", ông nói. Tuy nhiên, do diện tích của tổ hợp tác vẫn nhỏ, nguồn dưa thu hoạch chỉ đủ cung cấp cho các cửa hàng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn của các hệ thống siêu thị.
Theo ông, dưa lưới có loại chỉ trồng 60-65 ngày cho thu hoạch, cũng có loại trồng khoảng 75-80 ngày. Gia đình ông trồng dưa lưới vỏ xanh, phải 75-80 ngày mới có thể hái quả. Đổi lại, năng suất lên tới 50 tấn/ha/vụ thuận. Với vụ nghịch, trái nhỏ thì năng suất chỉ khoảng 30-40 tấn/ha.
Một năm sản xuất được 3 vụ. Với giá bán 20.000-25.000 đồng/kg như hiện nay, 1ha dưa lưới công nghệ cao sẽ cho thu 3,5 tỷ đồng.
Dưa lưới của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP, được trồng theo đơn đặt hàng trước nên khi thu hoạch không cần phải lo đầu ra cho sản phẩm, giá cả lại ổn định.
“Diện tích dưa lưới của tổ hợp tác hiện chỉ gần 2ha. Các cửa hàng đặt sản lượng bao nhiêu thì tổ hợp tác triển khai trồng bấy nhiêu. Đến lúc thu hoạch, lượng dưa lưới thừa thiếu chỉ chênh nhau vài chục cân”, ông kể. Theo đó, cứ 15 ngày tổ hợp tác lại trồng một vườn để có dưa thu hoạch cung cấp liên tục cho các cửa hàng đặt trước đó.
Tới đây, gia đình ông tính toán đầu tư thêm 1 vườn trồng dưa lưới công nghệ cao. Chi phí đầu tư cho 1.000m2 là gần 500 triệu đồng. Nếu làm tốt, sau 3-4 vụ sẽ thu hồi được vốn, các vụ sau đó là lời.
Ông Hải cho hay, vườn dưa lưới đầu tiên của gia đình làm cách đây 5 năm giờ đang cho thu hoạch. Song do nguồn vốn đầu tư lớn và liên quan đến thị trường đầu ra nên gia đình ông dự tính mỗi năm mở thêm 1 vườn, không làm ồ ạt.
Nông dân thắng lớn: Trồng dưa lưới thu 1,5-3 tỷ/ha, làm lúa lãi 83.000 tỷ đồng