Rừng sến mật hơn 500ha duy nhất ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á: Cảnh quan kỳ vĩ, là 'thiên đường' của hàng trăm loài động thực vật quý
Khu rừng có hàng chục vạn cây, trong đó cây sến lớn nhất gần 100 năm tuổi, đường kính khoảng 70cm.
Rừng sến Tam Quy nằm trên địa bàn 3 xã của huyện Hà Trung, gồm Hà Tân, Hà Đông và Hà Lĩnh, cách TP Thanh Hoá khoảng 25km. Tại rừng Tam Quy, sến phân bố rải rác trên các quả đồi thấp, độ cao 50-325m. Đây là một trong gần 90 khu bảo tồn thiên nhiên  rừng đặc dụng, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Để bảo tồn, năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký quyết định thành lập khu bảo tồn quốc gia rừng sến Tam Quy, với diện tích lúc đầu là 350ha. Hiện tại, khu bảo tồn đã mở rộng lên gần 520ha. Vì thế, nơi đây được đánh giá là có diện tích rừng sến lớn nhất Đông Nam Á và cũng là nơi bảo tồn loài sến mật duy nhất ở Việt Nam.
Sến mật là loài cây gỗ lớn có tên khoa học là Madhuca pasquieri thuộc họ hồng xiêm (Sapotaceae), bộ hồng xiêm (Sapotales). Trên thế giới sến mật phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Tại Việt Nam sến mật mọc rải rác, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Sến mật ở Tam Quy mọc tập trung gần như thuần loài, là cánh rừng hiếm gặp, nơi quần tụ tự nhiên độc đáo nhất của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, rừng sến Tam Quy là rừng đặc dụng, giống cây quý có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Cây sến mật lớn nhất ở đây có tuổi đời gần 100 năm, đường kính khoảng 70cm, một người lớn ôm không xuể. Sến là loại gỗ được xếp thứ 3 trong nhóm tứ thiết: đinh, lim, sến, táu… Chúng có giá trị sử dụng cao trong đời sống sinh hoạt của con người, gỗ sến được dùng làm nhà, đóng đồ gia dụng rất đẹp.
Ngoài ra, quả sến ăn có vị ngọt, mùi vị thơm như mật ong rừng già, hạt sến thì được ép dầu ăn, là loài thực phẩm chức năng cao cấp, phòng và chữa một số bệnh đối với sức khoẻ  con người như tim mạch… lá sến được bào chế làm thuốc chữa bỏng, chống viêm nhiễm rất hiệu quả.
Cùng với sến, rừng Tam Quy còn có sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loài thực vật khác như lim, dẻ, mây, tre, trúc, vàu… và nhiều loài cây có giá trị dược liệu quý chữa bệnh khác như: cây ruột gà, ba chạc, tam thất, giảo cổ lam… đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã như các loài chim, dơi, sóc, cày cáo, trăn, rắn, lợn, khỉ…
Hàng năm, nơi đây đã đón hàng ngàn lượt khách tới tham quan, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Họ đến để khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của khu rừng và thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân địa phương.
Do là rừng đặc dụng, giống cây quý có tên trong sách đỏ Việt Nam nên người dân ra vào rừng Tam Quy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, nghiêm cấm chặt phá, đốt lửa... Lực lượng kiểm lâm lập nhiều biển báo, cắm chốt ở các điểm có đường dân sinh ngang qua.
Những ngày hè nắng nóng, rừng sến Tam Quy như một cỗ máy điều hoà không khí khổng lồ giúp cho ta tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên ban tặng. Dưới chân rừng là hồ Đập Cầu rộng lớn, mặt nước trong vắt, soi bóng cánh rừng già tạo nên bức tranh kỳ vỹ nơi đây. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, khu vực rừng sến này đã được quy hoạch đưa vào đất quốc phòng nên không được làm gì, kể cả du lịch .