Sách giáo khoa tăng giá cực mạnh, chiết khấu tới 30%, tiền vào túi ai?
Mức chiết khấu là một cấu phần quan trọng của giá sách giáo khoa, trong khi trước thềm năm học mới giá sách là vấn đề được người dân quan tâm. Vậy chiết khấu sách giáo khoa dùng để làm gì?
Kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” vừa đưa ra một thông tin gây chú ý.
Báo cáo cho thấy: Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023 đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Thông tin về chiết khấu sách giáo khoa ngay lập tức nhận được sự quan tâm, nhất là khi năm học mới đang cận kề. Nhất là trong bối cảnh giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần bộ sách cũ.
Vậy chi phí được gọi là "chiết khấu" này dùng để làm gì?
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, sau khi đoàn giám sát có những nhận định bước đầu về chiết khấu sách giáo khoa, mới đây Nhà xuất bản Giáo dục đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ về mức chi phí bán hàng này.
Theo giải trình của Nhà xuất bản Giáo dục, mức chi phí phát hành trong nội dung nêu trên là chi phí cho khâu lưu thông, cung ứng, triển khai thị trường... đối với sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chi phí này được cấu thành bởi hai khoản mục: Chi phí phát hành (chiết khấu) và chi phí triển khai thị trường bao gồm tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới...
Trong đó, chiết khấu là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách từ kho của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước.
Chi phí phát hành bao gồm: Chi phí thuê kho bãi, chi phí vận chuyển - bốc xếp hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ...
“Chiết khấu đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 là 23% giá bìa; năm học 2022-2023 giảm xuống còn 22,5% giá bìa; năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 21% giá bìa”, Nhà xuất bản giáo dục cho biết.
Chi phí thứ hai là chi phí triển khai thị trường , chỉ xuất hiện đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong bối cảnh một chương trình nhiều sách giáo khoa. Chi phí này bao gồm các khoản chi cho: hội thảo giới thiệu sách tại địa phương, tập huấn sử dụng sách giáo khoa, tuyên truyền, quảng cáo...
Chi phí triển khai thị trường đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021 là 6% giá bìa. Năm học 2022-2023 giảm xuống còn 5,5% giá bìa. Năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 5% giá bìa.
Cộng cả hai chi phí này đã tạo nên con số chiết khấu như trên. Theo nhà xuất bản này, chi phí chiết khấu và chi phí triển khai thị trường được kê khai, tách bạch thành hai khoản mục trong phương án kê khai giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Tại thông báo chính sách phát hành hàng năm, Nhà xuất bản Giáo dục cũng đều quy định chi phí khâu lưu thông sách giáo khoa bao gồm chi phí phát hành và chi phí triển khai thị trường.
Tuy nhiên, việc tổ chức kênh phân phối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo mô hình đơn vị đầu mối phát hành đảm nhiệm cả hai công việc bao gồm triển khai thị trường và phân phối, phát hành sách.
“Điều này có thể dẫn đến nhận định cộng gộp cả hai khoản mục chi phí lưu thông thành chi phí phát hành (chiết khấu) như Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu”, Nhà xuất bản Giáo dục giải thích.
Đại diện một đơn vị làm sách cho biết: Trên thực tế thị trường sách ở Việt Nam, tên hiệu nhà xuất bản, tên tuổi tác giả không ảnh hưởng nhiều đến giá sách; nhuận bút chỉ chiếm tỷ lệ 15-16% trong giá thành và 10-12% trong giá bán lẻ.
Trong các yếu tố làm biến động giá sách là công của nhà xuất bản; giá giấy, điện, khấu hao máy móc của nhà in; công của mạng lưới phân phối, xuất bản và phát hành thì phí phát hành ảnh hưởng mạnh nhất đến giá sách.
“Chiết khấu là chi phí dành cho việc phát hành sách đến tay người tiêu dùng cuối cùng”, vị này cho hay.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hồi giữa tháng 6 đã công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 4, 8 và 11 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo". Còn Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đã có giá bộ "Cánh Diều". Đây là ba bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.
Theo đó, sách giáo khoa lớp 4 cả bộ 14-15 cuốn, giá dao động 250.000-280.000 đồng. Bộ "Cánh Diều" chưa có sách tiếng Anh, giá 230.000 đồng.
Trong khi giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, là 87.000 đồng thì giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần, tương tự giá sách mới của các khối lớp 3, 7 và 10 năm ngoái. Tuy nhiên, sách lớp 4 cũ chỉ có 9 quyển. Số cuốn tăng thêm trong bộ mới chủ yếu ở các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.
Sách giáo khoa lớp 8 và 11 cũng có giá cao hơn 2-3 lần bộ sách cũ. Sách lớp 8 đủ 14 cuốn của bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có giá 270.000-300.000. Hai bộ còn lại thiếu một môn, 250.000-270.000 đồng.
Bộ trưởng GD&ĐT mong được chỉ rõ 'nhóm lợi ích' trong phát hành sách giáo khoa 
Đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn gây tranh cãi: Hệ lụy từ việc lấy ngữ liệu ngoài SGK