6 tháng gần đây, lần lượt các nhóm cổ phiếu: bất động sản, đầu tư công, dầu khí, chứng khoán, mía đường đã xuất hiện những nhịp tăng giá song thị trường vẫn đang thiếu đi những "đầu tàu", những nhóm dẫn dắt đủ sức nặng.
Sửa soạn tâm thế trước kỳ nghỉ lễ và hiệu ứng "Sell in May"
Sau chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp, những tưởng việc VN-Index chinh phục thành công mốc 1.080 điểm trong phiên 5/4/2023 sẽ là tiền đề để chỉ số trở lại vùng giá 1.100 - 1.110 điểm. Nhưng không! VN-Index đã giảm 5/8 phiên gần nhất và rơi trở lại vùng giá 1.050 - 1.060 điểm.
Rộng hơn, từ đầu tháng 10/2022 tới nay, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chủ yếu biến động hẹp quanh mốc 1.050 điểm.
Trong khoảng thời gian này, lần lượt các nhóm cổ phiếu như bất động sản, đầu tư công (xây dựng - thép - xi măng), dầu khí, chứng khoán, mía đường xuất hiện những nhịp tăng giá song thị trường vẫn đang thiếu đi những "đầu tàu", những nhóm dẫn dắt đủ sức nặng.
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Tới đây, thị trường chứng khoán sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài (Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ Quốc khánh - Quốc tế Lao động). Theo đó, các động thái xả hàng nhiều khả năng sẽ quay trở lại như một quy luật. Đó là chưa kể đến hiệu ứng "Sell in May" - tạm dịch là “bán cổ phiếu vào tháng 5”.
Đây thực chất là một chiến thuật đầu tư của giới tài chính - kinh doanh trên thế giới. Nếu tuân thủ quy tắc này, một nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu để thu về tiền mặt vào đầu tháng 5 và đến tháng 11 mới bắt đầu mua cổ phiếu trở lại.
Chiến thuật đầu tư này được ủng hộ dựa trên quan niệm rằng thị trường chứng khoán có xu hướng đi xuống trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.
Tại Việt Nam, hiệu ứng "Sell in May" không quá đậm nét song những nhà đầu tư cá mập vẫn rất chú ý đến câu chuyện này. Mặt khác, hiệu ứng Fomo trên thị trường (hành động theo đám đông) cũng sẽ trở thành vấn đề khiến không ít nhà đầu tư cân nhắc việc bán ra cổ phiếu.
Còn nhớ tháng 5/2022, VN-Index ghi nhận mức giảm 5,4% sau khi đã tăng 12,4% và 7,15% trong 2 năm COVID trước đó. Rộng hơn, kể từ năm 2001 tới này, VN-Index đã ghi nhận 13/22 lần giảm điểm trong tháng 5 trong đó mức giảm mạnh nhất được ghi nhận vào năm 2008 với âm 20,73%. Ngược lại, chỉ số có 9 lần tăng điểm với mức kỷ lục 27,99% năm 2009.
Có thể thấy, dù hiệu ứng "Sell in May" không phải là tiêu chí đầu tư quan trọng trên chứng trường Việt Nam song những gì thị trường đã trải qua trong các tháng 5 vẫn là yếu tố nên được nhà đầu tư cân nhắc.
VN-Index đang "xây nền"?
Trong một chia sẽ mới đây, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT CTCP AzFin Việt Nam cho biết: "Thị trường chứng khoán đã có một đợt phục hồi tốt khi tăng 6% từ 1.020 điểm lên 1.080 điểm sau những thông tin tích cực về tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như những thông tin hỗ trợ từ ĐHCĐ của một số doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang yếu đi và có dấu hiệu cho thấy suy thoái xác suất cao sẽ diễn ra. Thêm vào đó, lo ngại về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết suy giảm khiến việc phục hồi không diễn ra dài và VN-Index đã quay đầu giảm điểm gần đây.
Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT CTCP AzFin Việt Nam |
Điều này hoàn toàn bình thường và cũng phản ánh tâm lý chưa thực sự vững của dòng tiền vào thị trường thời gian vừa qua chủ yếu là dòng tiền đầu cơ nhanh và rút nhanh; các dòng tăng giá kéo chỉ số có tính đầu cơ cao như chứng khoán và bất động sản. Việc chưa có dòng tiền lớn vào các nhóm trụ như ngân hàng hoặc các bluechip khác trong VN30 nên sẽ rất khó để thị trường có sóng dài.
Tuy vậy tôi đánh giá đây là giai đoạn VN-Index đang xây nền và tích luỹ khá vững chắc cho tương lai. Khi các tín hiệu vĩ mô rõ ràng hơn, có sự đồng thuận nhất định từ kinh tế thế giới thì VN-Index có thể trở lại mạnh mẽ và vững chắc hơn từ cuối 2023 và 2024.
Dòng tiền khối ngoại thông qua P-note (Participatory Notes- một loại chứng chỉ tham gia đầu tư) là dòng tiền đầu cơ dễ vào và dễ ra, trong giai đoạn vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng trở lại khá tốt so với cuối năm 2022 thời điểm mà P-note hoạt động mạnh, vì thế họ đã có động thái chốt lời.
Tôi cho rằng, xu hướng bán ròng có thể tiếp diễn nhưng có thể sớm kết thúc do định giá thị trường vẫn hấp dẫn khối ngoại".
Cổ phiếu bất động sản bắt đầu sáng nước?
Về nhóm bất động sản, ông Phục bày tỏ quan điểm tương đối tích cực với mảng khu công nghiệp. Bất chấp những khó khăn như FDI giảm, dòng này vẫn có của để dành là những khoản doanh thu dài hạn chưa thực hiện lớn và vẫn tiếp tục cho thuê mới.
Đối với bất động sản nhà ở, đa phần doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đặc biệt từ sức cầu yếu của người dân do đó đa số các cổ phiếu ngành này hiện chỉ đón nhận dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Mặc dù vậy, vẫn có một số ít doanh nghiệp có tài chính mạnh, dự án sạch, sản phẩm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở đặc biệt dự án chung cư giáp ranh hoặc trong nội đô các thành phố lớn vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt.
Việc tham gia đầu tư vào cổ phiếu bất động sản cần hết sức kỹ càng, chỉ nên phân bổ tỷ trọng nhỏ.
Trong khi đó, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư chưa vội xem xét nhóm cổ phiếu bất động sản.
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, do chỉ trung chủ yếu vào nhà ở xã hội. Do đó, gói này sẽ tác động động mạnh đến nhóm doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên do quy mô của gói tín dụng lớn, nên các doanh nghiệp chưa làm nhà ở xã hội có thể không nhận được hỗ trợ từ gói này. Điều này có thể tạo sức ép buộc các doanh nghiệp này cũng phải phát triển các dự án nhà ở xã hội nếu không muốn phải đứng ngoài cuộc. Việc này vô hình chung sẽ làm thay đổi cấu trúc ngành bất động sản.
"Hiện vẫn chưa phải thời gian xem xét đầu tư nhóm này do các đợt đáo hạn trái phiếu vẫn còn đang ở phía trước và hiện gói nhà ở xã hội vẫn chưa được triển khai", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đưa ra góc nhìn về thị trường chứng khoán giai đoạn cuối tháng 4 - đầu tháng 5, AzFin đánh giá thị trường giai đoạn trước nghỉ Lễ nhiều khả năng sẽ biến động trong biên độ hẹp do dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự nhập cuộc. Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp trước khi ra quyết định Những thông tin tích cực sắp tới nhà đầu tư có thể lưu ý gồm: Lãi suất nhiều khả năng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý 2/2023; tình hình đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tạo đáy; lạm phát ở nhiều quốc gia lớn và cả trong nước đang giảm theo kỳ vọng của giới phân tích dẫn đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất. |
Vượt qua nỗi sợ ‘Sell in May’, VN-Index hướng đến vùng 1.425 điểm? 
Lời nguyền 'Sell in May’ có ứng nghiệm vào thị trường chứng khoán Việt Nam?