Sacombank (STB) sau thời doanh nhân Đặng Văn Thành đang kinh doanh ra sao
Sacombank (STB) là một trong những ngân hàng có nhiều "tướng" dẫn dắt nổi tiếng trên thương trường nhất, như doanh nhân Đặng Văn Thành, Trầm Bê, và hiện tại là ông Dương Công Minh.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB ) vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Chặng đường dài của Sacombank cũng trải qua rất nhiều sóng gió, trở thành ngân hàng chứng kiến nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Sacombank dưới thời ông Đặng Văn Thành
Sacombank ngày nay đã không còn gắn với tên tuổi doanh nhân Đặng Văn Thành , tuy vậy nói về lịch sử Sacombank, chắc chắn vẫn sẽ phải nhắc tới vị doanh nhân nổi tiếng ngành mía đường này.
Khởi nghiệp từ năm 1979, khi mới bước vào tuổi 20, ông Đặng Văn Thành cùng bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập cơ sở sản xuất cồn với vốn điều lệ ban đầu chỉ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên.
Phải đến hơn 20 năm sau ngày thành lập cơ sở sản xuất cồn, năm 1998, Công ty TNHH Thương mại – sản xuất Thành Thành Công ra đời, mở đầu cho sự xâm nhập sâu vào các lĩnh vực đầy tiềm năng như mía đường, ngân hàng, bất động sản và du lịch của đế chế TTC Group.
Năm 1991 ông Đặng Văn Thành  là một trong những cổ đông tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Sacombank với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Sacombank được thành lập từ việc hợp nhất các hợp tác xã tín dụng đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính lúc đó – cũng là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi thành lập, giai đoạn từ 1993-1994 ông Đặng Văn Thành là Uỷ viên HĐQT Sacombank. Từ 1994 đến 2012 ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank. Dấu ấn của doanh nhân Đặng Văn Thành tại Sacombank rất lớn. Con trai ông, ông Đặng Hồng Anh  cũng là Thành viên HĐQT của Sacombank.
Ông Đặng Văn Thành và con trai - thiếu gia Đặng Hồng Anh |
Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank đã làm được rất nhiều “cái đầu tiên” trong ngành tài chính Việt Nam, mở ra những khái niệm mới. Sacombank ngân hàng TMCP đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh khai trương chi nhánh tại Hà Nội vào năm 1993. Năm 1997 là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra đại chúng để tăng vốn điều lệ với gần 9.000 cổ đông tham gia góp vốn.
Năm 2003 Sacombank là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép thành lập công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VietFund Management – VFM). Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên khai trương chi nhánh tại Lào (năm 2008), tại Phnom Pênh (năm 2009), mở đầu cho công cuộc chinh phục thị trường tài chính Đông Dương.
Năm 2006 Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HoSE với 190 triệu cổ phiếu ban đầu, trở thành Ngân hàng TMCP đầu tiên đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009 STB được vinh danh là một trong 19 cổ phiếu vàng của Việt Nam.
Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank được nhắc tới là một trong những ngân hàng TMCP có tiềm lực mạnh mẽ, lợi nhuận cao hàng năm.
Ghi dấu ấn lớn tại Sacombank, nhưng vòng cuốn khủng hoảng không thể tránh khỏi, năm 2012 ông Đặng Văn Thành thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Sacombank, gia đình, hệ sinh thái quanh ông Đặng Văn Thành cũng lần lượt rút vốn.
Công cuộc rời Sacombank ra đi của ông Đặng Văn Thành đến nay vẫn được những người trong giới chuyên môn, những nhà đầu tư thường nhắc lại như một thương vụ điển hình của việc thâu tóm trong ngành ngân hàng. Nguyên nhân bắt đầu tư những đồn đoán liên quan đến 1 thế lực thâu tóm cổ phần STB năm 2011, các cổ đông cũng lên tiếng trước thềm Đại hội cổ đông lúc đó về một cuộc chuyển giao quyền lực. Cổ phiếu STB bị “kéo” mạnh xuống. Sacombank đã thực hiện động thái mua lại 100 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá, tổng số tiền chi ra khoảng 1.300 tỷ đồng.
Tuy vậy mọi nỗ lực bất thành, công cuộc “thay máu” tại Sacombank vẫn diễn ra. Đặc biệt trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 nhóm cổ đông lớn Eximbank còn gửi yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm Soát. Kết quả của kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm đó đúng là đã thông qua việc từ nhiệm của 5 thành viên HĐQT đương nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, nâng tổng thành viên HĐQT lên 10 trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ở lần bầu cử này, một nhân sự đáng chú ý: ông Trầm Bê. Sacombank bắt đầu hành trình mới không còn gắn liền với ông Đặng Văn Thành.
Đến cuối năm 2012, ông Đặng Văn Thành rời ghế Chủ tịch HĐQT, và kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh chính thức không còn là Thành viên Hội đồng quản trị của Sacombank.
Tác hợp và chia ly trong vòng 20 năm từ 1991 đến 2012, ông Đặng Văn Thành đã để lại rất nhiều dấu ấn trong giới ngân hàng, và tại Sacombank. Ra đi trong cuộc “thâu tóm” đình đám của ngành ngân hàng thời đó lại càng làm cho tên tuổi của doanh nhân Đặng Văn Thành được nhiều người nhắc tới.
Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank từ ngân hàng ban đầu vốn điều lệ 3 tỷ đồng, đã lên mức 10.740 tỷ đồng vào năm 2012. Tổng tài sản đạt gần 151.300 tỷ đồng trong bối cảnh tổng nợ phải trả gần 137.900 tỷ đồng. Sacombank cũng ghi nhận lãi lớn mấy nghìn tỷ nhiều năm liên tiếp trong đó năm 2011 lãi trước thuế hơn 2.700 tỷ đồng. Năm đầy biến động 2012 khi ông rời đi, lợi nhuận trước thuế của Sacombank giảm về mức hơn 1.300 tỷ đồng và lãi sau thuế “rơi” xuống dưới 1.000 tỷ đồng.
Sacombank dưới thời ông Trầm Bê
Ông Trầm Bê gia nhập Sacombank ở vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, con trai út, ông Trầm Khải Hòa cũng gia nhập Sacombank ở vị trí thành viên HĐQT. Dưới thời ông Trầm bê, Sacombank cũng có không ít các biến động.
Một trong những dấu ấn lớn nhất doanh nhân Trầm Bê để lại Sacombank là thương vụ sáp nhập ngân hàng Phương Nam gây rúng động toàn ngành.
Doanh nhân Trầm Bê và con trai út Trầm Trọng Hòa |
Về tình hình hoạt động, năm 2012, sau loạt biến động, thay máu nhân sự, lợi nhuận sau thuế của Sacombank giảm một nửa, về dưới mức 1.000 tỷ đồng.
Các năm 2013, 2014 lợi nhuận của Sacombank đã tăng trở lại, lên trên 2.200 tỷ đồng. Tuy vậy con số cũng nói lên rằng Sacombank không có sự tăng trưởng, lợi nhuận đi ngang mấy năm, trong khi các ngân hàng cùng ngành đã đạt được sự tăng trưởng mạnh. Thậm chí năm 2015 đến 2018 lợi nhuận sụt giảm mạnh, trong đó năm 2016 lãi sau thuế chưa đến 100 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư, các cổ đông không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn.
Một biến động mới nữa của ngành ngân hàng lại xảy ra sau đó không lâu tại Sacombank khi vấn đề sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) được đưa lên bàn nghị sự vào kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2014. Đây cũng là thời điểm mà Ngân hàng Phương Nam đang bất ổn, kết quả kinh doanh giảm sút, lợi nhuận còn hơn chục tỷ đồng, nợ xấu tăng cao. Trong đề án sáp nhập, các khó khăn được đưa ra trong đó nhấn mạnh khó khăn từ việc xử lý vấn đề tài chính phát sinh từ Southern Bank, cũng khẳng định vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng sáp nhập là Sacombank, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn…
Tháng 10/2015 Ngân hàng Phương Nam chính thức “biến mất”, sáp nhập vào Sacombank. Vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southernbank thời điểm đó cũng là vụ sáp nhập tiêu biểu của ngành ngân hàng Việt Nam. Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, 2016, đã đưa vấn đề sáp nhập Southernbank ra tranh luận gay gắt, quy trách nhiệm làm cho Sacombank “đi xuống” cho ông Trầm Bê và vụ sáp nhập.
Sau sáp nhập, tổng tài sản Sacombank tăng lên trên 292.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng lên gần 270.000 tỷ đồng. Đặc biệt Sacombank giữ nguyên đà tăng nợ phải trả, lên đến trên 345.200 tỷ đồng vào năm 2017 - chỉ 3 năm sau vụ sáp nhập gây bất ngờ cho ngành ngân hàng nói chung.
Năm 2017 vụ án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam VNCB) được đưa ra xét xử, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang của Sacombank bị bắt tạm giam, khởi tố với hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 2017 Ngân hàng Nhà nước cũng công bố chấm dứt vai trò điều hành, quản trị của ông Trầm Bê tại Sacombank. Trước đó ông Trầm Bê và con trai đã có đơn xin rời vị trí lãnh đạo tại Sacombank.
Cáo trạng nêu, từ năm 2013 - 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty hoặc mượn pháp nhân lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Đồng thời, Phạm Công Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi hơn 6.600 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng này và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó.
Riêng tại Sacombank, Phạm Công Danh được ông Trầm Bê và Phan Huy Khang giúp sức trong việc rút tiền của VNCB thông qua việc gửi tiền của VNCB vào Sacombank làm tài sản bảo lãnh nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do Phạm Công Danh thành lập. Tới khi Phạm Công Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank nên không gây thiệt hại cho ngân hàng này trong việc cho vay. Tuy vậy việc làm trái quy định khiến ông Trầm Bê chịu án 4 năm tù giam, bản án được tuyên tháng 8/2018 sau hơn 1 năm xét xử. Hiện ông Trầm Bê đã ra tù, trở về với doanh nghiệp gia đình, và giới thương nhân vẫn chờ đợi sự tái xuất rầm rộ hơn của ông trên thương trường.
Sacombank dưới thời Chủ tịch Dương Công Minh
Năm 2017 Sacombank bước vào thời kỳ mới với Chủ tịch Dương Công Minh. Một trong những dự định đầu tiên khi vị doanh nhân nổi tiếng này thực hiện khi đến với Sacombank đến nay vẫn được nhắc tới là việc “chuyển nhà, đổi mã ”. Cụ thể tháng 10/2017 Sacombank bất ngờ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển sàn niêm yết từ HoSE sang HNX, đồng thời đổi mã chứng khoán thành SCM. Tuy vậy đề xuất này vấp phải sự phản đối, và Sacombank vẫn ở lại sàn HoSE với mã chứng khoán STB.
Sacombank hiện nay dưới thời “tướng” Dương Công Minh, quy mô tổng tài sản tăng mạnh từ dưới 400.000 tỷ đồng trước năm 2018, vượt 500.000 tỷ đồng vào năm 2020 và hiện tại, tính đến hết quý 2/2023 tổng tài sản đạt gần 622.200 tỷ đồng.
Tổng tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng dần. Nếu như năm 2017, vượt 550.000 tỷ vào cuối năm 2022 và đến hết qúy 2/2023 vượt 580.000 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm 93% tổng tài sản.
Đáng chú ý, quy mô tài sản, nợ tăng, nhưng Sacombank vẫn giữ nguyên vốn điều lên từ 2015 đến nay, ở mức 18.852 tỷ đồng – là một trong số ít các ngân hàng không tăng vốn trong nhiều năm liên tiếp.
Về tình hình kinh doanh sau những năm sóng gió 2015-2017, những năm sau đó lợi nhuận của Sacombank đã dần tăng trưởng trở lại, vượt mức 2.400 tỷ đồng vào năm 2018; nhanh chóng vượt 3.400 tỷ đồng vào năm 2021.
Năm 2022 vừa qua Sacombank báo lãi kỷ lục hơn 5.000 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2023 cũng đạt 3.825 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hứa hẹn một năm 2023 khởi sắc.
Dư nợ cho vay khách hàng đến 30/6/2023 đạt 460.470 tỷ đồng, tăng5% so với đầu năm, trong đó tỷ lệ nợ xấu bất ngờ gia tăng, từ dưới 1% hồi đầu năm lên 1,78%, trong đó có gần 4.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.
Tổng huy động từ khách hàng đến hết quý 2 đạt 501.583 tỷ đồng, tăng 10,3% so với nửa đầu năm ngoái, trong đó tiền gửi từ các cá nhân chiếm trên 83%.
Sắp xét xử phúc thẩm vụ khách hàng 'bốc hơi' 46,9 tỷ đồng tiền gửi tại Sacombank 
Sacombank (STB) báo lãi kỷ lục, tích lũy gần 29.000 tỷ đồng lợi nhuận chờ chia cổ tức