Sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Chính phủ yêu cầu thiết kế là công trình kiến trúc biểu tượng
Không những được xây dựng trở thành sân bay trung chuyển quốc tế hiện đại và lớn nhất Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn phải vươn mình trở thành một biểu tượng kiến trúc, là dấu mốc khởi đầu của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Sáng 11/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Tổ Công tác dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhằm lắng nghe báo cáo và đưa ra ý kiến về phương án thiết kế nội thất Nhà ga hành khách.
Thiết kế nhà ga tinh tế, hài hòa công năng, mang dấu ấn văn hóa dân tộc
Theo báo cáo tại cuộc họp, Nhà ga hành khách có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm, với kiến trúc bao gồm một nhà ga trung tâm và ba cánh, tổng diện tích hơn 376.000m2.
Nhà ga bao gồm các khu vực như: Đảo làm thủ tục hàng không, bến đỗ, quầy gửi hành lý tự động, hệ thống xử lý hành lý, soi chiếu an ninh, thang cuốn, thang máy và các khu vực dành cho hành khách.
Ông Đặng Kim Khôi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế nội thất sân bay, bởi đây là nơi tạo ấn tượng đầu tiên cho khách quốc tế khi đặt chân đến Việt Nam.
Ông cũng đề cao việc khắc họa bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng vùng miền thông qua các chi tiết kiến trúc nội thất như hoa văn, phù điêu và đồ trang trí.
Dự án Sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Chính thức khởi động gói thầu quản lý, khai thác sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam 
Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng thiết kế cần đảm bảo sự hài hòa giữa tổng thể kiến trúc và các chi tiết, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng màu sắc phù hợp với khí hậu nhiệt đới và đặc trưng vùng miền của Việt Nam.
Các phương án thiết kế cũng cần được cụ thể hóa để lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất.
Đại diện Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư bổ sung hồ sơ và làm rõ thêm các thông tin cần thiết để đảm bảo thiết kế nội thất tuân thủ các nguyên tắc về bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ số.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của sảnh sân bay trong việc tạo ấn tượng về một không gian xanh, sạch và hiện đại, phản ánh vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Công trình kiến trúc mang tính biểu tượng trong kỷ nguyên mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ là một sân bay trung chuyển quốc tế hiện đại mà còn là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng trong giai đoạn chuyển mình của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) bám sát các ý tưởng kiến trúc tổng thể, tuân thủ quy trình thủ tục và đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố bản sắc văn hóa, sự hiện đại, tính bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu phải được thể hiện xuyên suốt trong thiết kế nội thất của nhà ga. Ông yêu cầu các giải pháp kiến trúc phải phục vụ con người từ những chi tiết nhỏ nhất, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tạo ra không gian xanh và ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành.
"Chúng ta phải đảm bảo rằng mỗi hành khách đến và đi từ sân bay Long Thành đều cảm nhận được hình ảnh, không gian và bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại", Phó Thủ tướng khẳng định.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng: "Những khu vực hành khách cần di chuyển, làm thủ tục nhanh thì cần thiết kế đơn giản, thoáng đãng, còn những không gian nghỉ ngơi, thư giãn, làm việc, mua sắm, ăn uống chính là nơi bố trí những kiến trúc, mô hình mang thông điệp bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng của Việt Nam kết hợp với những nét đặc sắc của những thương hiệu lớn, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng để níu chân hành khách".
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng thiết kế nội thất cần dựa trên ngôn ngữ kiến trúc tổng thể của sân bay, kết hợp hài hòa giữa công năng sử dụng và tính thẩm mỹ.
Nhà ga sân bay quốc tế Long Thành được lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen cách điệu, biểu tượng văn hóa của Việt Nam, xuyên suốt từ kiến trúc ngoại thất đến nội thất bên trong.
Với phong cách kiến trúc hiện đại, hài hòa và sử dụng vật liệu tinh tế, nhà ga được kỳ vọng sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách nhờ việc áp dụng các công nghệ hiện đại và thiết bị tiên tiến.
Hệ thống kỹ thuật của nhà ga được thiết kế đồng bộ với các thiết bị khai thác hàng không thông minh, bao gồm hệ thống xử lý hành lý, soi chiếu an ninh và cầu dẫn khách, đảm bảo hiệu quả và tiện nghi tối đa cho hành khách, áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ 4.0.
Theo báo cáo từ đơn vị tư vấn, thiết kế ngoại thất nhà ga sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, đồng thời đảm bảo tính bền vững và tiện lợi trong khai thác và bảo trì.
Gam màu chủ đạo là trung tính, hiện đại, phù hợp với công trình nhà ga hàng không quốc tế.
Không gian nội thất bên trong sử dụng các gam màu trung tính như xám trắng, kết hợp với các điểm nhấn từ gỗ và cây xanh, mang lại sự hài hòa và thân thiện cho hành khách. Các vật liệu đều thân thiện với môi trường, bền vững và dễ dàng bảo trì.
Khu vực cảnh quan trong nhà ga được đặc biệt chú trọng, với thiết kế thác nước xuyên suốt các tầng, tạo không gian xanh và tự nhiên, mang lại cảm giác thư giãn cho hành khách trong môi trường sân bay nhộn nhịp.
Đáng chú ý, tất cả các vật liệu và thiết bị sử dụng trong dự án đều tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế cao, tương đương với các sân bay lớn trên thế giới như: Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Incheon T2 (Hàn Quốc), Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc) và Changi T4 (Singapore).