Sân bay này có diện tích 2.006ha, là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động sân bay quân sự.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được đầu tư xây dựng với quy mô sân bay đạt cấp 4F.
Cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay.
Đồng thời, sân bay này sẽ là trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.
Sân bay Chu Lai là sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 2.006ha. Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động sân bay quân sự, được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động đến 24 giờ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế.
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam xác định sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh với 5 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia.
Đảm bảo kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế. Lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam, các trục kết nối phục vụ các khu chức năng trong khu kinh tế mở Chu Lai.
Đồng thời, hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước theo hành lang quốc tế Đông - Tây.
Quy hoạch cũng xác định sẽ nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh. Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.
Về đường sắt, sẽ phát triển hệ thống ga đường sắt gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên.
Nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối vào mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố Đà Nẵng, bao gồm tuyến kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ thành phố Hội An.
Về cảng biển, sẽ đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt; hình thành trung tâm logistics đa phương tiện.
Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistics container của miền Trung - Tây Nguyên, là đầu mối hàng hoá quan trọng của hành lang quốc tế Đông - Tây.
Quy hoạch cũng định hướng, từng bước đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, Thu Bồn, khai thác vận tải đường thủy nội địa theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với các đảo trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và các khu du lịch, đô thị Đà Nẵng - Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành…
>> Cập nhật tiến độ 'siêu dự án' sân bay nghìn tỷ Long Thành 
Cập nhật thông tin mới nhất đề án quy hoạch sân bay Măng Đen 
Sân bay Tân Sơn Nhất đón 148.000 khách, xác lập đỉnh mới Tết Giáp Thìn