'Sang tay' SIM số đẹp có thể phải chịu thuế
Thị trường chuyển nhượng SIM số đẹp rất sôi động với các loại SIM tứ quý, ngũ quý có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Thu nhập từ việc chuyển nhượng SIM , số điện thoại có thể sẽ được bổ sung vào danh sách các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân, theo đề xuất trong tờ trình của Bộ Tài chính về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới.
Hiện nay, Điều 3 của Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định 10 loại thu nhập phải chịu thuế, bao gồm thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thừa kế và nhận quà tặng.
Hoạt động sang tay SIM số đẹp có thể phải chịu thuế. Nguồn: Internet |
>> Chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo trong 7 tháng đầu năm 
Các nhóm thu nhập này đã phù hợp với thực tế nền kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế, nhưng Bộ Tài chính nhận thấy thực tế phát sinh một số khoản thu nhập khác chưa được quy định, như thu nhập từ chuyển nhượng hoặc thanh lý tài sản, quyền tài sản, trong đó có SIM - số điện thoại và tên miền internet.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về các khoản thu nhập chịu thuế, mở rộng thêm nhóm thu nhập khác và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (gồm từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, SIM - số điện thoại).
Thị trường chuyển nhượng SIM số đẹp hiện vẫn rất sôi động, với các loại SIM tứ quý, ngũ quý có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xác định thuế từ các giao dịch này vẫn gặp khó khăn, vì không dễ phân biệt giữa chuyển nhượng tài sản cá nhân và hoạt động kinh doanh SIM số.
Đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu 
Sửa thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 16-18 triệu đồng