Sắp có Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam
Sự thay đổi này đánh dấu bước tiến quan trọng, giúp trường nâng cao giá trị thương hiệu và phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn.
Đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam (Vietnam Aerospace University - VAU)
Theo Học viện Hàng không Việt Nam, ngày 21-22/12, tại TP Phan Thiết, Học viện Hàng không Việt Nam  đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Học viện Hàng không Việt Nam: Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với công nghệ trí tuệ nhân tạo , kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, blockchain". Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo trong ngành, nhằm thảo luận và xây dựng những chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững của Học viện.
Theo thông báo chính thức, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ chính thức đổi tên  thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam , nhằm phù hợp với chiến lược phát triển mới của mình. Tên gọi mới này sẽ phản ánh định hướng đào tạo đa ngành, đồng thời, nhấn mạnh sự tập trung vào các lĩnh vực hàng không và vũ trụ. Mục tiêu là nâng cao giá trị thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Việc đổi tên này cũng giúp truyền tải rõ ràng hơn chiến lược phát triển của Học viện và tạo thuận lợi trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu. Điều này sẽ giúp các thế hệ học viên dễ dàng nhận diện và hiểu rõ các lĩnh vực đào tạo mà trường cung cấp. Hiện tại, Học viện đang tiến hành nghiên cứu và xây dựng Đề án chi tiết để đảm bảo mô hình chuyển đổi phù hợp với các quy định pháp luật, đồng thời giữ vững các giá trị truyền thống và thương hiệu đã được xây dựng.
Mở thêm cơ sở 4 - Nằm “sát” sân bay Long Thành
Để mở rộng mạng lưới đào tạo, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ thành lập Phân hiệu Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo thông tin từ PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện, phân hiệu này sẽ có diện tích lên tới 32ha và nằm cách sân bay Long Thành sân bay lớn nhất Việt Nam, khoảng 5km. Cơ sở vật chất tại đây sẽ được trang bị hiện đại, với các phòng học, phòng thí nghiệm và mô phỏng tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên.
Phân hiệu Long Thành sẽ được phát triển qua ba giai đoạn, kéo dài từ năm 2026 đến 2040, với tổng ngân sách dự kiến lên đến 25.000 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu sẽ được huy động từ thu sự nghiệp của Học viện. Giai đoạn đầu (2026 - 2030) sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng phục vụ 5.000 sinh viên. Giai đoạn hai (2032 - 2035) sẽ mở rộng quy mô lên 10.000 sinh viên và giai đoạn ba (2036 - 2040) sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất.
Phân hiệu Long Thành sẽ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành hàng không, với các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế như: Quản lý hoạt động bay, Hệ thống kỹ thuật quản lý bay, Kỹ thuật Hàng không, Thiết bị bay không người lái (UAV, Drone, Flycam), Kinh tế Hàng không, Quản trị kinh doanh Hàng không, Logistics và vận tải đa phương thức, Logistics và chuỗi cung ứng, Tự động hóa và điều khiển, Điều khiển thiết bị bay không người lái và robotics, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế, Marketing quốc tế,…
Hướng đến trường đại học thông minh - AI University
Học viện Hàng không Việt Nam tích cực thực hiện các bước chuyển đổi số, với mục tiêu trở thành một trường đại học thông minh - AI University. Đây không chỉ là cam kết trong việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị vận hành, giảng dạy và học tập, mà còn là chiến lược để nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.
Trong khuôn khổ hội nghị, PGS.TS Trần Hoài An đã chia sẻ kế hoạch triển khai chuyển đổi số qua từng giai đoạn, bao gồm phát triển chương trình đào tạo, xây dựng học liệu, phương pháp giảng dạy và hệ thống quản lý học tập, tất cả sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi AI. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số tiên tiến sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn giúp tối ưu hóa quản lý và tạo ra những trải nghiệm học tập tích cực cho sinh viên.
Trong giai đoạn 2025 - 2035, Học viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số như: Học liệu số và nền tảng học tập trực tuyến (LMS); Hệ thống quản lý thông tin; Thực tế ảo; Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet of Things (IoT); Big Data; Blockchain; Học máy (Machine Learning),...
Học viện cũng sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên nòng cốt để hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu các ứng dụng công nghệ phục vụ cho từng lĩnh vực. Từ đó, giúp sinh viên tiếp cận các kiến thức mới nhất và phát triển kỹ năng cần thiết cho công việc trong ngành hàng không và các ngành liên quan.
Bên cạnh đó, trong chuỗi hội thảo, Học viện cũng đã công bố 13 mảng chiến lược trụ cột, bao gồm việc nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin và hướng tới việc đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Mục tiêu lớn của Học viện là lọt vào top 20 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ toàn thể các đại biểu tham gia hội nghị.