Vĩ mô

Sáp nhập bộ, ngành giúp thay đổi về 'chất'

PV 06/12/2024 - 08:00

Bày tỏ sự đồng tình với phương án đề xuất sáp nhập các bộ, ngành mà Ban Tổ chức Trung ương nêu ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cho rằng, bên cạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy lại cho tinh gọn cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn cán bộ, để bộ máy sau khi sáp nhập hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Nhà nước thu nhỏ lại, dân lớn lên

Từng giữ chức Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ của Chính phủ, rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Đỗ Quang Trung đánh giá, việc giảm các đầu mối của Chính phủ qua các thời kỳ đều thành công. Qua sắp xếp giảm được đầu mối, giảm được sự “lòng vòng” trong giải quyết công việc; từ đó, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. “Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng kinh tế ở các thời kỳ mà ai cũng có thể nhìn thấy”, ông Trung nói.

Sáp nhập bộ, ngành giúp thay đổi về 'chất' ảnh 1
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên có phương án sắp xếp tinh giản bộ máy

Theo ông Trung, quá trình cải cách, tinh gọn đầu mối các cơ quan Nhà nước không phải là chuyện dễ dàng. “Thời trước, khi thực hiện các sáp nhập nhiều bộ lại với nhau để hình thành ra Bộ Công Thương như bây giờ cũng khó khăn, phức tạp. Lúc đấy, tôi đã trực tiếp bảo vệ việc sáp nhập này trước Chính phủ, trước Quốc hội. Đến bây giờ càng nhìn lại càng thấy quyết định thời điểm đó là đúng đắn”, ông Trung nói.

Vấn đề quan trọng sau khi sáp nhập các bộ lại với nhau là công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Cùng với đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, bước tiếp theo cũng cần phải làm ngay để bộ máy sau khi sáp nhập hoạt động được là xây dựng cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung

Điều quan trọng, theo ông Trung, việc tổ chức Bộ Công Thương theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực không chỉ đơn thuần là thực hiện sáp nhập cơ học mà là thay đổi về chất, từ cơ chế quản lý cũ, sang cơ chế thị trường. “Khi đó, có ý kiến lo ngại, sáp nhập như thế này thì Bộ Công Thương nhiều việc quá, sợ không làm nổi. Tuy nhiên, khi chuyển sang cơ chế thị trường rồi, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chứ đâu phải “ôm việc” vào để bộ làm cả”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, việc cải cách tổ chức bộ máy đã được Đảng, Nhà nước nghiên cứu từ rất sớm, nhất là sau công cuộc đổi mới kinh tế năm 1986. Tinh thần chung là theo hướng: “Nhà nước thu nhỏ lại, dân lớn lên”. “Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực cũng theo hướng đó, tức là Bộ làm nhiệm vụ xây dựng thể chế, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, còn lại phân cấp cho địa phương và xã hội làm. Sau khi thực hiện đổi mới kinh tế chúng ta thấy rất rõ, giải quyết việc làm và tiền lương là rất khó, nhưng dân giải quyết là xong. Khi kinh tế tư nhân phát triển, bài toán việc làm, nó cũng sẽ khác đi”, theo ông Trung.

Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn”

Nhắc lại quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng, đây một cuộc đổi mới sâu rộng, có ý nghĩa bao trùm về tổ chức bộ máy. “Cách mạng mang tính chất triệt để hơn nhiều so với cải cách hoặc sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính hiệu lực, hiệu quả. Trước kia, nhập vào nhưng lại thành lập ra tổng cục dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”, ông Tiến nói.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ nhiệm - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp của tổ chức bộ máy đã trở thành lực cản của sự phát triển. Vậy nên cần phải có cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả hơn đối với người dân, doanh nghiệp. “Bây giờ người ta muốn đầu tư vào một lĩnh vực nào đó nhưng cứ phải đi làm việc hết bộ này, đến bộ khác thì mất thời gian, thậm chí làm lỡ thời cơ phát triển. Thời cơ quý hơn vàng là ở chỗ đó”, ông Kim nói.

Là người đã từng trực tiếp tham gia nhiều vào quá trình cải cách tổ chức bộ máy, ông Trung nhận xét phương án sắp xếp tinh gọn lại các bộ, ngành theo hướng: Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính; Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ; Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… là “phù hợp”. “Đổi mới là quá trình liên tục, không dừng được. Bây giờ đổi mới, sau đó lại tiếp tục đổi mới, lại tiếp tục tái tạo, chứ bằng lòng là không được. Chúng ta cứ làm rồi sẽ vỡ ra”, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói. Hơn nữa, theo ông Trung, những phương án sắp xếp được nêu ra mới đây đều đã có “lý luận và thực tiễn” và trước đây cũng đã đề cập.

Đánh giá thêm về các phương án sáp nhập các bộ lại với nhau, ông Lê Như Tiến cho rằng, sáp nhập các bộ lại với nhau theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là phù hợp với thực tiễn của sự vận động và phát triển. Nêu ví dụ về phương án nhập Bộ Kế hoạch - Đầu tư với Bộ Tài chính, theo ông Tiến, hai lĩnh vực này liên quan với nhau. “Đầu tư và tài chính phải đi kèm với nhau. Nếu đầu tư mà không đi kèm theo điều kiện bố trí tài chính thì chưa chắc việc đầu tư đó đã phù hợp”, ông Tiến nói.

Không chỉ các cơ quan của Chính phủ mới tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, theo ông Tiến, các Ủy ban của Quốc hội cũng nên tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. “Tôi nhớ, trước đây Quốc hội chỉ có Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, sau đó tách ra thành hai : Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Lúc đó chúng ta tính là chuyên sâu, phải có thêm đầu mối. Như thế cũng giống như cơ cấu bên Chính phủ, vừa có Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Bộ Tài chính. Cho nên, lần này sáp nhập cả bên Chính phủ và Quốc hội là đồng bộ”, ông Tiến nói.

Đặc biệt, ông Tiến lưu ý, thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy lần này phải hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy để không còn tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. “Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém, việc này cần phải thực hiện hiệu lực và hiệu quả”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

>> "Bộ máy đông quá, dân không chịu nổi"

Tinh gọn bộ máy Quốc hội: Giữ 500 Đại biểu hay giảm xuống 400?

Trung ương và Quốc hội sẽ họp đầu năm 2025 về tinh gọn bộ máy

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/sap-nhap-bo-nganh-giup-thay-doi-ve-chat-post1697929.tpo?gidzl=fg850u6iP56ZkWS0XB5XKgQy2mQSlMq4iBK6KfIrOm7Yj09KaxqsKEFX1mx1kZTSixDH2sKKE59cWAzXKW
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập bộ, ngành giúp thay đổi về 'chất'
    POWERED BY ONECMS & INTECH