Sáp nhập tỉnh: Vì sao chọn tên Thái Nguyên, không phải Bắc Kạn hay Bắc Thái?
Khi sáp nhập Thái Nguyên với Bắc Kạn, nếu chọn tên mới hoặc tên ghép như "Bắc Thái" sẽ gây nhầm lẫn, khó nhận diện và có trên 10.500 doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh một số giấy tờ pháp lý.
Tại Nghị quyết 60 của hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương dự kiến hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, lấy tên tỉnh mới là Thái Nguyên . Trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại TP Thái Nguyên hiện nay.
Tên mới sẽ có trên 10.500 doanh nghiệp phải điều chỉnh một số giấy tờ
Theo đề án phân tích, tên gọi Thái Nguyên đã có từ năm 1831, khi tỉnh này được thành lập dưới triều Nguyễn. Do đó, giữ tên gọi Thái Nguyên cho tỉnh mới sáp nhập, hợp nhất giúp duy trì tính kế thừa lịch sử, truyền thống, tránh thay đổi nhận diện hành chính. Đặc biệt, tên Thái Nguyên đã quen thuộc với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nếu chọn tên mới hoặc tên ghép (ví dụ: Bắc Thái), sẽ gây nhầm lẫn, khó nhận diện và có trên 10.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ phải điều chỉnh một số giấy tờ pháp lý. Những thay đổi này gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, Thái Nguyên có quy mô kinh tế GRDP năm 2024 đạt trên 165 nghìn tỷ đồng (≈6,534 tỷ USD), đứng thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, thu ngân sách đạt trên 20.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 của cả nước.
Đặc biệt, Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp lớn, với các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II…, thu hút trên 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu ngân sách ổn định, sẽ đóng vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng, phát triển của tỉnh mới.
Mở rộng không gian phát triển đô thị, xứng tầm quy mô cho tỉnh mới
Về yếu tố lịch sử, truyền thống, tỉnh Bắc Thái cũ (bao gồm tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn hiện nay) trong suốt thời gian tồn tại từ năm 1965 đến năm 1997 đều đặt trung tâm chính trị - hành chính tại TP Thái Nguyên.
Thành phố Thái Nguyên có vị trí trung tâm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ kết nối miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 75km và có hạ tầng giao thông phát triển với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cao tốc nối tiếp Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn sẽ hoàn thành giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, việc kết nối giữa thành phố Thái Nguyên, thành phố Bắc Kạn và các địa bàn trong tỉnh sẽ thuận lợi hơn, giúp toàn tỉnh mới có sự kết nối thông suốt.

Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 8 tỉnh, thành phố, trong đó đoạn đi qua tỉnh Thái Nguyên dài khoảng 47km đã hoàn thành.
Dự án xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng chiều dài toàn tuyến 42,55km sẽ hoàn thành trong quý 2.

Hơn nữa, Thái Nguyên nằm tiếp giáp các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn với nhiều tuyến đường giao thông thuận lợi như quốc lộ 3, 3B, 279, có tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và cách sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) chưa tới 60km nên dễ dàng kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ngoài ra, quỹ đất đô thị tại thành phố Thái Nguyên còn tương đối rộng để mở rộng không gian phát triển đô thị, hình thành trung tâm chính trị - hành chính đồng bộ, hiện đại, bảo đảm xứng tầm quy mô cho tỉnh mới.
Sau 2 ngày triển khai lấy ý kiến người dân (18-19/4), thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ người dân đồng ý với phương án sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt gần tuyệt đối. Đã có 2.206/2.206 xóm, tổ dân phố trên địa bàn 172/172 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân. Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 333.056 người, trong đó, số tham gia ý kiến là 332.953 (99,97%). Số bày tỏ ý kiến đồng ý là 330.311 cử tri (99,18%). Số không đồng ý có 2.547 cử tri (0,76%). Số bỏ phiếu không hợp lệ là 33 cử tri (0,01%). Số có ý kiến khác là 2.356 cử tri (0,71%). Đối với chủ trương sáp nhập, hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, số cử tri Thái Nguyên đồng ý đạt 99,81%. Sau khi được HĐND hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập hợp nhất tỉnh, tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/4. |
>> Thái Nguyên, Bắc Kạn sắp xếp còn 92 xã, phường, lập đường dây nóng về sáp nhập
Thái Nguyên, Bắc Kạn sắp xếp còn 92 xã, phường, lập đường dây nóng về sáp nhập
Sau gần 30 năm chia tách, tỉnh ít dân nhất Việt Nam dự kiến sẽ tái nhập tỉnh Thái Nguyên