Sau 7 năm thành lập, khu kinh tế rộng bằng 12 quận Hà Nội sắp có sân bay, cảng biển riêng
Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng khu kinh tế này là hoàn toàn hợp lý khi nơi đây liên tục tạo ra những bước phát triển kinh tế cho tỉnh.
Khu kinh tế Thái Bình  được thành lập năm 2017 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 305km2, trải dài qua hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần ven biển. Quy mô này thậm chí lớn hơn tổng diện tích của 12 quận nội thành Hà Nội (304km2).
Mục tiêu của khu kinh tế là tận dụng tối đa lợi thế về vị trí và điều kiện tự nhiên để kết nối kinh tế, thương mại, và dịch vụ với các địa phương lân cận, hướng tới trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, tạo bước đột phá cho tỉnh Thái Bình.
>> Chốt liên doanh thực hiện gói thầu hơn 6.200 tỷ đồng tại sân bay lớn nhất Việt Nam 
Khu kinh tế Thái Bình được phân chia thành các khu chức năng gồm: Khu trung tâm điện lực Thái Bình (8km2), khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ (80km2), khu cảng biển (5km2), khu du lịch và dịch vụ (30km2) và các khu dân cư.
Sau 7 năm hình thành, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối khu công nghiệp Liên Hà Thái với cầu sông Hóa, cao tốc CT.08 qua Thái Bình - Nam Định và tuyến đường từ TP. Thái Bình đến cồn Vành, cùng với các tuyến đường trục kết nối khác.
Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ có một sân bay chuyên dụng ven biển đặt tại huyện Tiền Hải, thuộc Khu kinh tế Thái Bình.
Sân bay này dự kiến sẽ được xây dựng sau năm 2030, khi hạ tầng khu kinh tế hoàn thiện, đồng thời hình thành cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn và an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình. Cụm cảng này sẽ bao gồm các điểm đáp trực thăng và bãi đáp thủy phi cơ ven biển.
Cùng với đó, cảng biển Thái Bình cũng sẽ được xây dựng với khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải lên đến 50.000 tấn ở phía biển và 5.000 tấn ở phía sông, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần vào quá trình phát triển khu kinh tế.
Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình là hoàn toàn hợp lý khi nơi đây liên tục tạo ra những bước phát triển kinh tế cho tỉnh. Nếu từ năm 1987 (khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành) đến năm 2020, Thái Bình chỉ thu hút được gần 800 triệu USD vốn FDI, thì từ năm 2021 đến nay, tổng vốn FDI đã đạt 4,1 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 là gần 3 tỷ USD đưa Thái Bình vào top 5 toàn quốc về thu hút FDI.
Từ một địa phương chủ yếu thu hút các doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may, cơ khí, tỉnh Thái Bình đã chuyển mình, thu hút nhiều dự án lớn thuộc lĩnh vực điện, điện tử, trang thiết bị y tế, ô tô với công nghệ tiên tiến.
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn như Pegavision, Lotes, Compal, Greenworks, VSIP, Tokyo Gas, Kyuden... đã đưa Thái Bình trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu Việt Nam trong 3 năm qua.
Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình sẽ hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, phấn đấu thu hút khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm và đưa giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 60-70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
>> Hai siêu dự án của Khải Hoàn Land (KHG) bất ngờ ‘lọt tầm ngắm’ của UBCK Nhà nước