Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chuẩn bị báo cáo về tình trạng sân vận động 40.000 chỗ ngồi lớn nhất Việt Nam
Trước ngày 15/4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải trình Thủ tướng phương án cụ thể, trong đó đánh giá toàn diện thực trạng cơ sở vật chất và đề xuất hướng khai thác phù hợp.
Theo Báo Thanh Niên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án khai thác hiệu quả sân vận động quốc gia Mỹ Đình , tránh tình trạng lãng phí và xuống cấp.
Theo yêu cầu, trước ngày 15/4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải trình Thủ tướng phương án cụ thể, trong đó đánh giá toàn diện thực trạng cơ sở vật chất và đề xuất hướng khai thác phù hợp.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần báo cáo rõ về tình trạng sân Mỹ Đình đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng .
Cụ thể, mặt sân cỏ được cải tạo từ năm 2012, trong khi tuổi thọ theo quy định chỉ từ 5-7 năm. Sau hơn 12 năm không được thay mới, mặt sân đã hư hại nặng, không đảm bảo tiêu chuẩn thẩm mỹ lẫn điều kiện thi đấu chuyên nghiệp.

Lớp đất nền làm từ năm 2003 đến nay chưa được cải tạo, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng cho cỏ. Hệ thống tưới nước nằm trong lòng sân đã hư hỏng, khiến nước tưới phân bố không đều, làm chết cỏ ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước không còn phát huy hiệu quả, gây tình trạng úng ngập cục bộ.
Không chỉ mặt sân, các hạng mục hạ tầng khác như hệ thống chiếu sáng, khán đài, khu chức năng cũng không được bảo trì định kỳ và đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tổ chức sự kiện, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả khai thác sân vận động.
>> Chính thức phê duyệt quy hoạch sân bay đa năng do Sun Group xây dựng, công suất 5 triệu khách/năm
Việc nâng cấp, sửa chữa toàn diện được xác định là yêu cầu cấp bách nhằm khôi phục chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, thể thao trọng điểm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải làm rõ các nguyên nhân khiến sân Mỹ Đình xuống cấp. Trong đó, yếu tố then chốt là hạn chế về ngân sách, thiếu chiến lược dài hạn trong khai thác và vận hành, dẫn đến hoạt động manh mún, thiếu bền vững.
Trước năm 2012, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là đơn vị sự nghiệp nhóm 3, được ngân sách Nhà nước cấp chi phí thường xuyên, duy tu và đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2012, đơn vị được chuyển sang tự chủ nhóm 2 - nghĩa là tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và duy tu.
Giai đoạn 2012-2018, khu liên hợp có nguồn thu ổn định, đặc biệt năm 2017 ghi nhận doanh thu hơn 72,5 tỷ đồng nhờ hoạt động cho thuê đất chờ dự án. Tuy nhiên, năm 2019, sau khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện, chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý, yêu cầu chấm dứt các hợp đồng cho thuê vi phạm, nguồn thu lập tức giảm mạnh.
Trong bối cảnh chưa được phê duyệt Đề án khai thác tài sản công, từ năm 2020, khu liên hợp buộc phải gia hạn một số hợp đồng thuê đã hết hạn để duy trì tối thiểu nguồn thu, đảm bảo chi trả lương và hoạt động cơ bản cho cán bộ, nhân viên.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần làm rõ lý do tại sao sân Mỹ Đình lại không có nguồn thu ổn định.
Theo đánh giá, sân Mỹ Đình có tiềm năng trở thành trung tâm thể thao - giải trí hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, với cơ chế tự chủ tài chính hiện tại, nguồn lực từ hoạt động khai thác chưa đủ đáp ứng nhu cầu sửa chữa lớn, cải tạo hạ tầng nhằm đạt tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Do đó, rất cần có sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước để nâng cấp đồng bộ các hạng mục trọng yếu.
Hiện nay, hoạt động khai thác tại khu liên hợp chủ yếu xoay quanh việc cho thuê địa điểm, sân bãi, tổ chức sự kiện thể thao và giải trí. Tuy nhiên, mô hình này còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực triển khai, dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao, thiếu đa dạng. Nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng ngắn hạn, thiếu ổn định, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính dài hạn và đầu tư hạ tầng.
Liên quan đến chất lượng sân thi đấu, ngày 10/4, đại diện CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết, ban tổ chức giải đã nhiều lần cảnh báo và đề nghị phối hợp cải thiện mặt sân Mỹ Đình.
“Chúng tôi từng phối hợp với CLB Bình Định và Hà Tĩnh để cải thiện mặt sân. Hiện VPF vẫn đang theo dõi sát sao và phối hợp với ban tổ chức trận đấu, CLB Thể Công Viettel để nâng cao chất lượng mặt sân thi đấu”, đại diện VPF chia sẻ.
VPF cho biết, sẽ đánh giá lại chất lượng mặt sân trước vòng 24. Nếu kế hoạch cải tạo, bảo dưỡng không đáp ứng yêu cầu, ban tổ chức giải sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn cho các trận đấu.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình khánh thành từ năm 2003, tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong những sân vận động hiện đại và cũng là sân vận động lớn nhất Việt Nam với sức chứa khoảng 40.000 khán giả. Đây từng là "chảo lửa" của bóng đá Việt Nam, nơi diễn ra các trận đấu lớn như SEA Games, AFF Cup, vòng loại World Cup, cùng nhiều sự kiện văn hóa quy mô quốc tế.
>> TP đáng sống nhất Việt Nam sẽ có khu du lịch quốc gia mới, sở hữu tượng Phật Bà cao nhất cả nước