Một số đại gia gắn liền với nick name liên quan đến cá tính của mình như Quảng “nổ”, Đức “nổ”. Và bây giờ, dư luận đang manh nha gán tên Dũng “bùng” cho ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Gây nợ xấu cho đối tác, “bùng” đấu giá
Hồi tháng 6/2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng tham gia đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh và trúng với giá đấu cao nhất 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP.HCM, với lý do phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.
Vụ việc dùng dằng một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Tuy nhiên, do quá thời gian quy định, nên ngoài số tiền trúng đấu giá tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỉ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.
Sau khi đóng tiền và được giao đất, Tân Hoàng Minh cho rào chắn xung quanh, phá dỡ toà nhà cũ Công ty xổ số kiến thiết. Theo kế hoạch ban đầu khu đất vàng này sẽ được xây dựng thành một khu phức hợp đẳng cấp, một công trình kiến trúc mang điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, sau đó, khu đất nằm bất động suốt thời gian dài. Đến năm 2019, nhiều thông tin cho biết khu đất đã được sang tay chủ mới. Theo đó, Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng khu đất lại cho Techcombank để nhà băng này xây trụ sở tại TP.HCM.
Chưa hết, vào năm 2016, Chủ tịch Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng từng đấu giá thành công đôi choé Tứ Linh giá 6 tỷ đồng rồi bất ngờ từ chối mua.
Theo VnExpress, trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần “nâng lên” không “đặt xuống” giữa hai đại gia bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 6/6, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.
Kết quả là ông Dũng chỉ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề.
Không chỉ có vậy, Tân Hoàng Minh còn vay tiền của V - Tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Việt Nam. Quý 2/2017, V đã ghi rõ danh tính Tân Hoàng Minh gây nợ xấu cho V hơn 87 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi được V xác định chỉ là hơn 44 tỷ đồng. Sau đó, giá trị có thể thu hồi được xác định chỉ là 0 đồng.
Tới quý 2/2021, V vẫn còn một doanh nghiệp gây nợ xấu 82,7 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây vẫn là Tân Hoàng Minh.
Lúc này, Tân Hoàng Minh gây xôn xao dư luận. Người ta lại nhắc đến khả năng Tân Hoàng Minh có thể một lần nữa “bùng” sau phiên đấu giá đất vô tiền khoáng hậu tại Thủ Thiêm.
Nợ ngập đầu với trái phiếu, Ngôi Sao Việt vẫn đấu giá kỷ lục
Câu chuyện Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt), một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chấp nhận bỏ ra số tiền tới 24.500 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD) cho lô đất diện tích 10.060 m2, tức 2,44 tỷ đồng cho mỗi m2 vẫn đang là chủ đề nóng trong dư luận thời gian vừa qua.
Đích thân ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trực tiếp tham gia phiên đấu giá này. Sau buổi đấu giá, ông Dũng cho biết Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng một dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại với tham vọng tạo ra một "công trình kiệt tác" tại TP HCM.
Đến thời điểm hiện tại dư luận vẫn đang băn khoăn về những toan tính của Tân Hoàng Minh đối với những lô đất trúng giá này? Nguồn lực để doanh nghiệp nộp đủ số tiền? Liệu rằng nhà đầu tư có bỏ cọc?
Hệ thống công ty chằng chịt
Ông Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30/7/1961. Hiện tại, ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, ông Dũng còn có vai trò là người thành lập/quản lý hơn 50 đơn vị khác, đáng kể trong đó có những doanh nghiệp có tiếng như Công ty Cổ phần cung điện mùa đông (người sáng lập, tỉ lệ góp vốn 58%/hết hiệu lực); Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn (người sáng lập, tỉ lệ góp vốn 80%)..
Từ năm 1984 – 1986, ông Dũng làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội. Sau đó, ông được chuyển đến công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh và làm việc tại đó 3 năm.
Từ năm 1989 - 1993, ông công tác tại Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI với chức danh Phó Tổng giám đốc.
Ngày 14/06/1993, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (nay là Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Thời gian đầu khi mới thành lập, Tân Hoàng Minh hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh vận tải hành khách công cộng, xây dựng,…
Năm 1995, ông Dũng bắt đầu xây dựng và kinh doanh vận tải hành khách công cộng với hệ thống Taxi V20.
Đến năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý,… và mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh.
Từ năm 2006 trở lại đây, nắm bắt được xu thế thị trường, ông Dũng định hướng cho Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chú trọng vào thị trường bất động sản cao cấp.
Như đã đề cập phía trên, dù có vai trò sáng lập/người quản lý hơn 50 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 12/2021, ông Dũng chỉ còn nắm vốn của 20 doanh nghiệp.
Khối gia tài chục ngàn tỷ của ông Đỗ Anh Dũng
Đầu tiên, phải kể đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, nơi Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Dũng đang sở hữu 51,48% trong tổng số vốn điều lệ đến 10.000 tỷ đồng của doanh nghiệp, tương ứng 5.148 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh Retail, ông Dũng đang là Đại diện pháp luật. Vốn điều lệ công ty là 500 tỷ đồng, trong đó ông Dũng nắm giữ đến 90%, tương ứng 450 tỷ đồng.
Ngoài ra, phải kế đến một loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh Retail (Đại diện pháp luật/Tổng giám đốc, sở hữu 90%); Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh Office Rental (Đại diện pháp luật/Tổng giám đốc, nắm giữ 95,83%)..
Với việc nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như đã nói ở trên, ước tính số tài sản ông Đỗ Anh Dũng đang nắm lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Đấy là chưa tính, những doanh nghiệp này sở hữu chồng chéo vốn của nhau.
Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp ông Dũng nắm cổ phần đều có kết quả kinh doanh không quá nổi bật, đơn cử như đối với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, giai đoạn 5 năm gần đây mức lợi đưa về chưa tương xứng với quy mô về vốn và tài sản của doanh nghiệp.
Cụ thể, các năm 2016, 2017 và 2020 Tân Hoàng Minh lần lượt lỗ -16,35 tỷ đồng, -531 tỷ đồng và -2.480 tỷ đồng. 2 năm còn lại 2018 và 2019 số lãi mang về cũng chỉ đạt 103,6 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, về doanh thu, năm đạt đỉnh nhất về doanh thu của Tân Hoàng Minh là năm 2018 với 2.080 tỷ đồng, trước khi giảm sâu về hơn 190 tỷ đồng trong năm 2020.
Như vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, Tân Hoàng Minh đem về gần 4.200 tỷ đồng, song thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.
Lưu ý rằng, đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Tân Hoàng Minh đang là 20.051 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 6.932 tỷ đồng; nợ phải trả 13.119 tỷ đồng.
Hay Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh Retail trong 3 năm gần nhất chưa phát sinh doanh thu, mỗi năm lỗ ròng khoảng 5 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn là điểm sáng hiếm hoi trong các công ty của ông Đỗ Anh Dũng. Khi 3 năm 2016-2018 không phát sinh doanh thu, năm 2019 nhảy vọt lên 10.724 tỷ đồng vnà neo ở mức đỉnh năm 2020 là 13.334 tỷ đồng.
Đi kèm với đó, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng năm 2019 đạt 5.197 tỷ đồng; năm 2020 2.498 tỷ đồng.
Cận cảnh 3 dự án 'đất vàng' vừa được Chủ tịch TP Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ 
Ngân hàng rao bán nợ của các công ty liên quan con trai Chủ tịch Tân Hoàng Minh