Doanh nghiệp A-Z

Sau Mỹ, Petrovietnam sắp ký thêm 2 hợp đồng xuất khẩu năng lượng tỷ USD sang Đông Bắc Á và châu Âu

Ánh Nguyệt 15/04/2025 - 14:44

Trong năm 2025, Petrovietnam (PVN) dự kiến đưa vào vận hành thương mại loạt dự án trọng điểm như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, mỏ dầu khí Đại Hùng 3...

Vào sáng ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và 68 doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu với chủ đề “Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho biết Petrovietnam đang chịu tác động mạnh từ các xu hướng toàn cầu như đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng và đặc biệt nhạy cảm trước những biến động địa chính trị, bao gồm thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, biến động tỷ giá, lãi suất...

Dù đối mặt với nhiều áp lực, Petrovietnam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, đồng thời tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu này.

Thứ nhất, về công tác quản trị, Petrovietnam đã xây dựng các kịch bản điều hành linh hoạt, kể cả trong tình huống giá dầu giảm sâu xuống mức 55 USD/thùng. Đồng thời, Tập đoàn tiến hành tái cấu trúc nguồn lực giữa các lĩnh vực, áp dụng cơ chế quản trị thích ứng nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư, quản lý rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ hai, Petrovietnam đẩy mạnh tái cơ cấu và mở rộng thị trường, trong đó đặc biệt ưu tiên thị trường trong nước, tăng cường liên kết với các Tập đoàn kinh tế lớn. Tập đoàn hiện đang hoàn tất những điều khoản cuối cùng và dự kiến sẽ ký 2 hợp đồng xuất khẩu năng lượng sang Đông Bắc Á và châu Âu vào tháng 6 tới với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Thứ ba, Petrovietnam tập trung quản trị danh mục đầu tư gắn chặt với dòng tiền, tài chính và vốn, đồng thời chủ động kiểm soát các rủi ro liên quan đến tỷ giá và lãi suất, nhất là tại các dự án lớn trong danh mục.

Trước đó, trong chuyến công tác vào tháng 3/2025 tại Hoa Kỳ của đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại tỷ USD đã được ký kết giữa doanh nghiệp “nhà” Petrovietnam và Tập đoàn Mỹ. Cụ thể, PV GAS ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với ConocoPhillips và Excelerate về mua bán LNG dài hạn. PV Power và GE Vernova ký MoU hợp tác mua sắm thiết bị cho nhà máy điện khí. BSR ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu nhiên liệu hàng không bền vững với Tập đoàn KBR.

Sau Mỹ, Petrovietnam sắp ký thêm 2 hợp đồng xuất khẩu năng lượng tỷ USD sang Đông Bắc Á và châu Âu
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc)

Từ nay đến cuối năm 2025, Petrovietnam sẽ đưa một số dự án vào vận hành thương mại. Cụ thể, tháng 5 sẽ khánh thành dự án Đại Hùng 3, dự kiến cung cấp thêm khoảng 10.000 thùng dầu/ngày. Tháng 6 dự kiến vận hành dự án Nhơn Trạch 3 , tiếp đó là Kình Ngư Trắng (tháng 7) và Nhơn Trạch 4 (tháng 8)... Việc các dự án liên tiếp đi vào hoạt động sẽ góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định cho Tập đoàn trong năm nay.

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, Petrovietnam cũng là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Ngay từ năm 2022, Tập đoàn đã triển khai chiến lược chuyển đổi số một cách quyết liệt và bài bản, hợp tác cùng các đối tác công nghệ hàng đầu trong nước như Viettel, VNPT, FPT để phát triển các sáng kiến số và xây dựng văn hóa số trong toàn hệ thống.

Petrovietnam đã đẩy mạnh đào tạo, cập nhật kiến thức số cho đội ngũ cán bộ và người lao động thông qua nền tảng nội bộ, đồng thời tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong các lĩnh vực cốt lõi như thăm dò và khai thác. Đến nay, nhiều sản phẩm số đã được đưa vào vận hành, trong đó nổi bật là hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Các nhà máy thông minh của Tập đoàn cũng đã đi vào hoạt động, giúp nâng hiệu suất vận hành bình quân lên trên 120%.

Nhờ những nỗ lực đổi mới và ứng dụng công nghệ, Petrovietnam duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 16,7%/năm và đóng góp ngân sách khoảng 21,3%/năm trong giai đoạn 2021- 2024.

Tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược, ngày 3/1/2025, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Theo đó, Petrovietnam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng mức độ chuyển đổi số của công ty mẹ lên cấp độ 5 (dẫn dắt), toàn Tập đoàn đạt cấp độ 4 và phấn đấu lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động và định hướng phát triển, Petrovietnam đưa ra 3 kiến nghị tại hội nghị lần này. Trước hết, Tập đoàn đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ triển khai và khai thác các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Petrovietnam kiến nghị được phép chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện công việc theo chuỗi giá trị trong nội bộ Tập đoàn, thay vì phải tổ chức đấu thầu như hiện nay. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại trong nước được tham gia tài trợ tài chính cho các dự án lớn, đặc biệt là những công trình sử dụng công nghệ nước ngoài do Petrocombank đang triển khai.

>> Sau cái bắt tay 4 tỷ USD, Petrovietnam đề xuất Mỹ xây dựng chính sách phù hợp cho Việt Nam

Xanh SM 'chốt đơn' 1.400 xe điện VinFast trong chưa đầy 1 tuần, hơn 3.100 ô tô chờ được tiếp tục bàn giao

Vượt bão thuế quan từ Mỹ, công ty thép đầu tiên báo lãi tăng vọt 56%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sau-my-petrovietnam-sap-ky-them-2-hop-dong-xuat-khau-nang-luong-ty-usd-sang-dong-bac-a-va-chau-au-286763.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau Mỹ, Petrovietnam sắp ký thêm 2 hợp đồng xuất khẩu năng lượng tỷ USD sang Đông Bắc Á và châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH