Sau sáp nhập, tỉnh này vừa là 'vùng đất bảy núi' huyền thoại vừa có thiên đường biển đảo hàng đầu thế giới
Không chỉ có lợi thế về nhân lực, cả hai vùng đất này đều sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh mới “cất cánh” mạnh mẽ trong tương lai.
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới, giữ tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Kiên Giang. Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ có dân số hơn 3,7 triệu người, trở thành địa phương đông dân nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ có lợi thế về nhân lực, cả hai vùng đất này đều sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh mới “cất cánh” mạnh mẽ trong tương lai.
Một bên non nước – một bên núi thiêng
An Giang tuy không giáp biển nhưng lại nổi bật với hệ thống danh thắng tâm linh, sinh thái, đặc biệt là quần thể Thất Sơn, trong đó nổi bật là núi Cấm – nơi được mệnh danh là “nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long”. Núi Cấm không chỉ mang vẻ đẹp huyền bí, kỳ vĩ mà còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn với hệ sinh thái rừng phong phú, suối nước trong lành và trải nghiệm săn mây độc đáo mỗi độ tháng 6 đến tháng 9.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vừa được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể càng củng cố vị thế của vùng đất này trên bản đồ du lịch tâm linh trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, Kiên Giang lại được mệnh danh là thiên đường biển đảo của Việt Nam. Nơi đây có đảo ngọc Phú Quốc nổi tiếng bởi vẻ đẹp thơ mộng. Cuối năm 2024, Phú Quốc được tạp chí danh tiếng Travel+Leisure của Mỹ bình chọn là hòn đảo đẹp thứ hai thế giới, chỉ sau Maldives. Năm 2024, lượng khách quốc tế đến Phú Quốc đã vượt 960.000 lượt, tăng 73% so với cùng kỳ và vượt xa kế hoạch đề ra. Nhiều chuyên gia du lịch nhận xét Phú Quốc đang là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành điểm đến hàng đầu của tầng lớp thượng lưu. Hiện tại, đảo ngọc đón khách từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, các nước Đông Âu và Trung Á.
Phú Quốc có hơn 22 hòn đảo lớn nhỏ. Phía Bắc đảo có hệ thống rừng nguyên sinh, làng chài hoang sơ như Rạch Vẹm, mũi Gành Dầu hay Vườn quốc gia Phú Quốc. Trong khi đó, phía Nam đảo nổi bật với các bãi tắm nổi tiếng như Bãi Sao, Bãi Trường cùng các điểm đến văn hóa – lịch sử như nhà tù Phú Quốc, Dinh Bà, Dinh Cậu.

Việc An Giang và Kiên Giang "về chung một nhà" không chỉ tạo nên một không gian du lịch liên kết “núi - rừng - biển - đảo” mà còn mang lại tiềm năng vượt trội về phát triển kinh tế – đặc biệt là nông nghiệp. Tỉnh mới sẽ trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước với sản lượng hơn 9 triệu tấn mỗi năm.
Với lợi thế địa lý đa dạng, một bên giáp Campuchia, một bên hướng ra vịnh Thái Lan, kết hợp với dân số đông và nguồn lực tự nhiên dồi dào, tỉnh An Giang mới hứa hẹn sẽ là điểm sáng phát triển của toàn khu vực miền Tây Nam Bộ.
Trung tâm du lịch sôi động
Sau khi sáp nhập, An Giang và Kiên Giang sẽ tạo nên một tỉnh mới không chỉ đông dân mà còn đặc biệt nổi bật về tài nguyên du lịch. Vùng đất này hội tụ đầy đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng, sông ngòi đến biển đảo mở ra tiềm năng phát triển du lịch toàn diện, từ nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên đến du lịch tâm linh, sinh thái.
Kiên Giang vốn nổi tiếng với những quần đảo đẹp đến ngỡ ngàng như Nam Du, Hải Tặc, hay những bãi biển hoang sơ, nước trong veo, cát trắng mịn trải dài. Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như “thiên đường biển đảo” với vẻ đẹp tự nhiên chưa bị khai phá quá nhiều. Những địa danh như Hòn Nồm, Bãi Cây Mến hay Bãi Ngự là nơi lý tưởng để du khách tận hưởng nắng vàng, biển xanh và những khung cảnh yên bình.

Một trong những trải nghiệm được yêu thích tại Hòn Hai Bờ Đập – đảo thuộc quần đảo Nam Du – chính là lặn biển ngắm san hô. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những rặng san hô rực rỡ sắc màu dưới lòng đại dương, tạo nên cảm giác như lạc vào một thế giới khác.
Cách đất liền không xa, quần đảo Hải Tặc gồm 18 hòn đảo nổi và chìm nằm trên vịnh Thái Lan, với tổng diện tích 251ha. Tên gọi độc đáo này gắn với những câu chuyện xưa về cướp biển, nay trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm cuộc sống làng chài, câu cá, lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản tươi sống ngay bên bờ biển.
Vườn quốc gia U Minh Thượng, nằm tại tỉnh Kiên Giang cũng là một trong những khu rừng ngập mặn quý hiếm còn sót lại trên thế giới. Khu sinh thái này được công nhận là vườn quốc gia từ tháng 1/2002 và nổi bật với hệ động – thực vật phong phú, kênh rạch chằng chịt. Du khách có thể thuê xuồng để len lỏi giữa rừng, câu cá, khám phá hệ sinh thái đặc trưng vùng đất ngập nước.

Ở An Giang, không thể không nhắc tới rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), rộng hơn 850ha, là mô hình sinh thái tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu. Vào mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11), nơi đây khoác lên mình vẻ đẹp mộng mơ nhất trong năm. Du khách được trải nghiệm đi xuồng ba lá hoặc thuyền máy len lỏi giữa rừng tràm, lướt qua thảm bèo xanh mướt và lắng nghe tiếng chim hót líu lo hòa cùng tiếng mái chèo khua nước.
Ngoài thiên nhiên phong phú, tỉnh mới còn mang trong mình bề dày văn hóa đặc sắc. Làng Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu, An Giang) là nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi. Du khách đến đây có thể tìm hiểu kiến trúc độc đáo của các thánh đường Hồi giáo, thưởng thức ẩm thực truyền thống và khám phá đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán còn giữ nguyên nét xưa.
Bên cạnh đó, núi Sam tại thành phố Châu Đốc là trung tâm du lịch tâm linh lớn, nổi tiếng với gần 200 di tích, đền, chùa, miếu, trong đó linh thiêng nhất là miếu Bà Chúa Xứ. Được công nhận là Khu du lịch quốc gia từ năm 2018, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm.
* Tổng hợp
>>Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng sáp nhập, 'siêu thành phố' ở ĐBSCL mạnh cỡ nào?