Siết điều kiện kinh doanh xăng dầu, liệu có khắc phục được bất cập?
Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng, trong đó có quy định xác lập lại các quyền và nghĩa vụ của thương nhân vẫn đang gây tranh cãi. Vì vậy, Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng mạng lưới xăng dầu hiện nay.
Lo ngại doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh thị trường
Theo phản ánh, với cơ cấu thị phần trên thị trường xăng dầu  hiện nay, quy định chỉ cho thương nhân phân phối được lấy hàng từ các thương nhân đầu mối, không cho các thương nhân mua bán lẫn nhau có thể càng củng cố thêm vị trí thống lĩnh, độc quyền của nhóm doanh nghiệp lớn.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng bày tỏ lo ngại, dự thảo nghị định chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng từ các thương nhân đầu mối, vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối chiếm thị phần lớn tiếp tục gia tăng thị phần, thống lĩnh thị trường và giảm sức cạnh tranh. Bởi, thời gian qua khi thị trường biến mạnh động, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ bị thua lỗ do liên tục chịu mức chiết khấu thấp, đã dẫn tới một làn sóng thu mua các cửa hàng xăng dầu để mở rộng mạng lưới của các thương nhân đầu mối đang chiếm thị phần lớn.
Cũng theo ông Văn Tấn Phụng, chuyện mua bán lòng vòng làm tăng chi phí có thể có, nhưng không phải là phổ biến trên thị trường bởi khâu bán buôn cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp giành giật từng thị phần nhỏ nhờ vào chiết khấu và phát triển khách hàng. Để tồn tại và tiết giảm chi phí, nhiều thương nhân phân phối xăng dầu có tiềm lực mạnh, vốn lớn thậm chí còn chung tiền nhập hàng với các doanh nghiệp đầu mối, tạo dựng được các nguồn hàng tốt. Trong thực tế, dù các doanh nghiệp đầu mối đưa ra mức chiết khấu rất thấp, thương nhân phân phối lại có mức chiết khấu cao.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ Hoàng Trung Dũng cho rằng: thị trường xăng dầu đang đứng trước nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh. Minh chứng là hiện có doanh nghiệp lớn chiếm tới trên 50% thị phần hay một vài doanh nghiệp đầu mối thống lĩnh tới trên 80% nguồn cung xăng dầu. “Quy định trong dự thảo nghị định mới đang tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bởi thực tế chỉ có 30 doanh nghiệp đầu mối, trong khi có gần 300 thương nhân phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ" – ông Hoàng Trung Dũng cho hay.
Chấm dứt mua bán lòng vòng làm tăng chi phí
Trái ngược với ý kiến của các thương nhân phân phối, phía doanh nghiệp đầu mối cho rằng, trên thực tế có tình trạng các thương nhân phân phối mua bán lòng vòng, tạo ra một hệ thống phức tạp trên thị trường. Thậm chí có tình trạng mua bán lòng vòng sản phẩm trên giấy, chứ không có thật. Tình trạng này diễn ra ở những doanh nghiệp làm tài chính, vì mục tiêu đầu tư tài chính.
Đáng nói, tình trạng mua bán lòng vòng là để "làm giá" sản phẩm, hoặc có tình trạng đầu cơ tích trữ khi giá có biến động bất thường, chứ không phải là cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, cơ quan quản lý cần đánh giá đầy đủ tình trạng mua bán lòng vòng để có biện pháp quản lý phù hợp.
Theo dự thảo nghị định mới do Bộ Công Thương xây dựng, hệ thống kinh doanh xăng dầu sẽ bao gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ, cửa hàng xăng dầu. Trước những phản hồi, phản ứng của các doanh nghiệp xăng dầu và tình hình thực tế thị trường, nhiều chuyên gia khuyến nghị Bộ Công Thương cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng thực trạng mạng lưới xăng dầu đang chồng chéo, bất ổn trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh hóa thị trường.
Về vấn đề này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh thông tin: việc đưa ra quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối, chẳng hạn như chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ các thương nhân đầu mối và không được mua bán lẫn nhau, là nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Việc thương nhân phân phối mua bán của nhau lòng vòng làm tăng thêm chi phí, chưa kể các doanh nghiệp không xác định được tổng nguồn. Đây cũng là nội dung đã được cơ quan Thanh tra Chính phủ kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu và Bộ Công an cũng có ý kiến trong quá trình thanh tra với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Mặt khác, việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trả giấy phép, rời bỏ thị trường là do không đáp ứng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp không tham gia kinh doanh xăng dầu mà là có thể lựa chọn hình thức khác như lấy nguồn từ doanh nghiệp phân phối hoặc đầu mối khác để kinh doanh với hình thức khác (đại lý, cửa hàng bán lẻ...).
Thông tin từ Bộ Công Thương, từ đầu năm 2024 đến nay, có 16 thương nhân đề nghị trả lại giấy phép và Bộ đã thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận theo đề nghị của doanh nghiệp. Như vậy đến nay, trên thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia kinh doanh xăng dầu, giảm so với thời điểm cao nhất lên tới 330 thương nhân. Việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu, cũng như đáp ứng nguồn cung.
>> Đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng và kinh doanh xăng dầu 
16 thương nhân trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu, nguồn cung thị trường có bị ảnh hưởng? 
Phát hiện nhiều sai phạm, 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị xử phạt