Doanh nghiệp

Siêu cảng 50.000 tỷ Trần Đề: Kỳ vọng nhẹ gánh chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Thảo Đan 09/08/2023 - 11:19

Dự án bến cảng 50.000 tỷ đồng Trần Đề được kỳ vọng sẽ kéo giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá ra thế giới.

Sáng ngày 7/8/2023, tại Trung tâm Văn hoá hội nghị tỉnh Sóc Tăng đã diễn ra hội thảo Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức.

Dự hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; đại diện Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo Quân khu 9; đại diện các Viện, Hội, Trường; các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tại hội thảo, ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) cho biết, ngoài thu hút nguồn hàng ở các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc hình thành cảng biển Trần Đề sẽ cho phép thu hút lượng hàng từ Campuchia đi theo tuyến đường thuỷ nội địa sông Mekong, thay vì dịch chuyển về nhóm cảng biển Đông Nam bộ như hiện nay.

Theo vị này, việc hình thành cảng biển nêu trên cũng giúp việc nhập khẩu, trung chuyển than cho các Trung tâm nhiệt điện ở ĐBSCL, mà cụ thể là Trung tâm nhiệt điện Long Phú và sông Hậu, với tổng khối lượng khoảng 11-13 triệu tấn/năm thuận tiện hơn.

Từ triển vọng nêu trên, trong quy hoạch cảng biển Trần Đề đưa ra dự báo, tổng lượng hàng hoá thông qua cụm cảng Trần Đề là khoảng 30,7-41 triệu tấn mỗi năm, trong đó, khu bến cảng nằm ngoài khơi đạt khoảng 24-32 triệu tấn (hàng container khoảng 11,6-16,3 triệu tấn).

Với hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Trần Đề như nêu trên, thì vận tải tuyến đường xa đạt khoảng 3-4 triệu tấn như thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và còn lại là vận chuyển đi Đông Bắc Á, Đông Nam Á, bao gồm cả Úc và Ấn Độ.

Trên cơ sở dự báo nêu trên, theo ông Đạt, dự án cảng Trần Đề sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến trong giai đoạn đến năm 2030 là 51.320 tỷ đồng và giai đoạn tổng thể đến năm 2050 là 145.283 tỷ đồng.

Theo đó, riêng giai đoạn đến năm 2030, có khoảng 34.000 tỷ đồng đầu tư cho hạng mục chi phí xây dựng kết hạ tầng (bao gồm xây dựng 18 km cầu kết nối bến trong bờ và ngoài khơi) và thiết bị…; phần còn lại là chi phí xây dựng các hạng mục ngoài cảng, bao gồm tuyến đê chắn sóng, hệ thống luồng hàng hải, báo hiệu, tuyến kết nối dài 6,1 km từ điểm cuối cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề đến chân cầu kết nối ra biển.

Siêu cảng 50.000 tỷ Trần Đề: Kỳ vọng nhẹ gánh chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu?
Quang cảnh Hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng

Theo quy hoạch dự án, sẽ phát triển một bến bến cảng ngoài khơi và kết nối với bến trong bờ bằng hệ thống cầu dẫn 18 km. Trong đó, khu bến cảng ngoài khơi có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất lên đến 100.000 tấn và tàu hàng rời đến 160.000 tấn.

Dự án được quy hoạch đầu tư xây dựng với hệ thống 15 cầu cảng, có tổng chiều dài 5,5 km và hệ thống đê chắn sóng là 8,3 km, trong đó, giai đoạn đến năm 2030 có 6 cầu cảng dài 2,2 km và đê chắn sóng dài 6,1 km, có khả năng đáp ứng lượng hàng thông quan là 30-33 triệu tấn trong giai đoạn đến 2030 và đạt 100 triệu tấn đến năm 2050.

Riêng đối với khu vực trong bờ, sẽ phát triển các bến tiếp chuyển hàng hoá trong bờ cùng với dịch vụ hậu cần logistics với diện tích khoảng 4.000 héc ta.

Theo ông Đạt, tuyến cầu vượt biển kết nối từ khu vực phía trong bời và bến ngoài khơi dài 18 km, được đầu tư với quy mô 4 làn xe (mặt cắt ngang 16 mét) đến giai đoạn 2030 và đạt 8 làn xe (mặt cắt 32 mét) cho giai đoạn đến 2050.

“Ngoài ra, tuyến đường bộ sau cảng kết nối với điểm cuối cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề và kết nối đến chân cầu vượt biển được đầu tư có quy mô 6 làn xe (bề rộng mặt cắt là 32,5 mét)”, ông Đạt cho biết.

Cũng tại hội thảo này, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, nhất là lúa gạo, tôm, cá tra và trái cây.

Tuy nhiên, theo ông, vùng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa liên kết được giữa các phương thức vận tải, quy mô vận tải đường thuỷ còn thấp, chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.

Cũng theo ông Lâu, 70% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ để mua bán thông qua cụm cảng TP HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất thời gian khiến chất lượng sản phẩm hàng hoá bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, các đại biểu tham dự sự kiện cho rằng, việc đầu tư cảng biển Trần Đề không chỉ giúp tối ưu hoá chi phí vận chuyển, mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, việc đầu tư hoàn thiện cảng Trần Đề sẽ là tiền đề để thu hút và phát triển công nghiệp cho vùng ĐBSCL. “Hỗ trợ gia tăng xuất khẩu nông sản chỉ là ngắn hạn thôi”, ông nói và cho rằng, mấu chốt quan trọng hơn, đó là việc đầu tư cảng này sẽ giúp thu hút phát triển công nghiệp cho vùng tốt hơn.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, riêng với đơn vị này, mỗi năm xuất khẩu 200.000 tấn gạo, nhưng hầu hết đều phải xếp hàng ở các cảng sông trong khu vực ĐBSCL để đưa về TPHCM xuất khẩu.

Vị này cho rằng, khoảng 7 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam thì phần lớn phải đưa về TP HCM để xuất khẩu. Việc này khiến chi phí hàng hoá gia tăng đáng kể.

Chính vì vậy, với việc đầu tư và đưa vào khai thác cảng biển Trần Đề sẽ giúp kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân ĐBSCL. Chí phí vận chuyển lúa gạo có thể kéo giảm được 40% so với hiện nay, thậm chí là 50% đối với mặt hàng trái cây.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta - đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu tôm cho rằng, việc vận chuyển hàng hoá từ ĐBSCL lên các cảng ở TP HCM và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khiến chi phí vận chuyển tăng khoảng 700 USD (2 chiều) đối với mỗi container 40 feet.

Riêng đối với Công ty Sao Ta, mỗi năm đơn vị xuất khẩu khoảng 1.500 container lạnh 40 feet, khiến chi phí vận chuyển tăng thêm ít nhất 15 tỉ đồng do phải vận chuyển hàng hoá lên khu vực Đông Nam bộ để xuất khẩu.

Siêu dự án cảng Liên Chiểu: Điểm nhấn đầu tư với quy mô trên 45.000 tỷ đồng

Đón hơn 14.400 tỷ đồng, một huyện tại Bình Định như 'thỏi nam châm' hút đầu tư

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-cang-50000-ty-tran-de-ky-vong-nhe-ganh-chi-phi-logistics-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-195861.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Siêu cảng 50.000 tỷ Trần Đề: Kỳ vọng nhẹ gánh chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH