Cây cầu dây văng thứ 2 trên địa bàn Hà Nội khi được thông xe sẽ trở thành tuyến giao thông quan trọng kết nối 2 bờ sông Hồng.
Theo quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội  đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình đường bộ được xây dựng vượt qua sông Hồng. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên vào khoảng 20.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên.
Cầu Tứ Liên là cây cầu dây văng thứ 2 của Thủ đô Hà Nội (bên cạnh cầu Nhật Tân). Theo thiết kế, cầu Tứ Liên và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 11,5km. Trong đó cầu có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ. Cầu nối từ khu vực đường Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi (quận Tây Hồ) với xã Đông Hội (huyện Đông Anh).
Tại phía quận Tây Hồ, đường nối với khu vực cầu Tứ Liên hiện là khu dân cư và vùng trồng đào quất. Phía Đông Anh đoạn cầu và đường dẫn đi dọc theo sông Ngũ Huyện Khê, phần đất canh tác và đi qua một số tuyến đường như đường Trường Sa, đường Quốc lộ 3…
Đoạn đường nối cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đi qua dự án Vinhomes Cổ Loa. Đây là dự án có tổng diện tích đất lên đến 3,85km2, vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng. Hiện tại, khu vực đang triển khai xây dựng Trung tâm triển lãm quốc gia rộng 0,9km2 với vốn đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng.
Cầu Tứ Liên là công trình giao thông trọng điểm, được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đã được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Trước đây, dự án xây cầu Tứ Liên được đề xuất theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), nay đã được Hà Nội chấp thuận nhưng sau đó thì đã bị hủy để chuyển sang hình thức mới là PPP.
Định hướng về phát triển hệ thống giao thông sau khi có sự hiện diện của cầu Tứ Liên sẽ là: Tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của thủ đô Hà Nội như là xe buýt nhanh, đường sắt trên cao, triển khai một số tuyến đường nhiều tầng từ Vành đai 4 đi vào. Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông vận tải của thủ đô theo từng giai đoạn. Tổ chức các phương án giao thông hài hòa tại những nút giao của dự án nhằm tối đa công năng và đẹp mắt về thẩm mỹ, kiến trúc.
Cầu Tứ Liên khi được hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc, giảm ách tắc cho các lộ trình giao thông từ thủ đô Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc, hình thành nên cửa ngõ thứ 3 từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố. Đồng thời, cầu Tứ Liên giúp từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông khung cho Hà Nội.
Theo quy hoạch, 6 cầu đường bộ qua sông Hồng sẽ xây mới gồm:
- Hồng Hà, Mễ Sở trên vành đai 4: Quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp
- Thượng Cát và Ngọc Hồi trên vành đai 3,5: Quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp
- Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng: Quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp
- Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên: Quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
>> Cao tốc huyết mạch nối 2 tỉnh giáp Trung Quốc được rót thêm 8.000 tỷ đồng nâng cấp quy mô