Siêu cường châu Á xem xét tham dự siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam của Việt Nam: Dẫn đầu thế giới về độ an toàn và chính xác
Phía quốc gia này cho biết đang chờ kết quả của cuộc thảo luận sắp tới tại Quốc hội để cân nhắc khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Tại buổi họp báo ngày 17/10, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Sugano Yuichi cho biết, phía Nhật Bản và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều cuộc làm việc về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  của Việt Nam.
Ông cho biết thêm, phía Nhật Bản đang chờ kết quả của cuộc thảo luận sắp tới tại Quốc hội để cân nhắc khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án này. Ngoài ra, đại diện JICA cũng đưa gợi ý cho Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ dự án đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản.
Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba diễn ra vào ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Nhật Bản cấp khoản vay ODA mới cho dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Nhật Bản là quốc gia làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Tokaido Shinkansen. Được khai trương vào năm 1964 nối Tokyo và Osaka, hiện nay chỉ mất 2 giờ 25 phút để hoàn thành chặng đường khoảng 500 km. Tàu Shinkansen  có tốc độ tối đa đạt 320 km/h và đã lập kỷ lục 581 km/h vào năm 2003.
Đặc biệt, tàu Shinkansen nổi tiếng với độ an toàn và đúng giờ của mình. Từ khi đi vào hoạt động, tàu chưa ghi nhận bất kỳ tai nạn liên quan đến hành khách chết hoặc bị thương. Năm 2003, trung bình thời gian trễ giờ của tàu chỉ 6 giây.
Tàu cao tốc Shinkansen xuất hiện như một bước chuyển mình không chỉ của người dân Nhật Bản mà của toàn thế giới, mở ra thời kỳ đổi mới cho hệ thống đường sắt trên toàn cầu. Ông Naoyuki Ueno, đại diện Công ty Đường sắt Trung Nhật Bản (JR Central) tại Luân Đôn, nói: “Tàu cao tốc Tokaido Shinkansen được người dân Nhật Bản thời đó gọi là ‘Giấc mơ Siêu tốc’. Tôi nghĩ điều này thực sự đã mang đến cho người dân Nhật Bản hy vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế và đóng góp lớn lao cho tương lai của ngành đường sắt.”
Tại Nhật Bản, sự hiện diện của tàu tốc độ cao Shinkansen cũng như nhiều nhà ga và khu đô thị tại nhiều địa phương đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước này. Đặc biệt, tại tỉnh Kagoshima ở phía Nam Nhật Bản, số thu thuế đã tăng thêm 460 triệu USD, số lượng khách du lịch tăng liên tục 20%/năm chỉ sau gần 2 năm sau khi tuyến tàu này được hình thành.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là một dự án quan trọng, đóng vai trò bước ngoặt không chỉ đối với hệ thống giao thông mà còn cho cả nền kinh tế của Việt Nam.
Dự án có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, có điểm bắt đầu ở ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc ở ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tốc độ 350km/h với tổng mức đầu tư khoảng 67,43 tỷ USD.
Khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ Hà Nội - TP.HCM chỉ mất khoảng 5 giờ 30 phút, Hà Nội - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) mất 4,3 giờ,... tiết kiệm đáng kể thời gian cho người dân. Đặc biệt, tại một số chặng ngắn, tuyến đường sắt này còn nhanh hơn máy bay nếu tính cả thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách với giá trị khoảng 2 tỷ USD; đồng thời, giảm đáng kể chi phí đi lại của xã hội, ước tính khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.
Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến trong quá trình xây dựng sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm % vào tăng trưởng GDP mỗi năm. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (Transit-Oriented Development) dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD, chưa tính doanh thu bán vé.
Vì vậy, đây là một dự án đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Do đó, Việt Nam đã nghiên cứu dự án trong gần hai thập kỷ qua và sẽ tiếp tục học hỏi những quốc gia đi trước để hoàn thiện hệ thống đường sắt tốc độ cao đầu tiên, đảm bảo phát huy những lợi ích kinh tế mà dự án mang lại.