Siêu dự án cảng biển lớn nhất miền Trung gần 50.000 tỷ đồng có chuyển động mới
Hiện tại, dự án có ba liên danh nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư tổng thể vào khu bến cảng Liên Chiểu, bao gồm: Liên danh APM Terminal - Hateco; Adani - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Sumitomo - BRG.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 2350/QĐ-BKHĐT về việc thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai dự án tổng thể khu bến cảng Liên Chiểu , cảng biển Đà Nẵng.
Tổ công tác này do ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài được phân công làm Tổ phó.
Thành phần Tổ công tác gồm các lãnh đạo từ nhiều cơ quan chức năng, bao gồm: Cục Quản lý Đấu thầu, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Vụ Pháp chế (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cùng với đại diện lãnh đạo cấp vụ từ Bộ Tài chính và ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là nghiên cứu và hỗ trợ các bên liên quan trong việc xây dựng phương án đầu tư tổng thể cho khu bến cảng Liên Chiểu. Phương án này phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngành nghề và lĩnh vực của địa phương, đồng thời tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan.
Ngoài ra, Tổ công tác sẽ hướng dẫn chung cho các nhà đầu tư về hồ sơ, quy trình và thủ tục cần thiết trong quá trình nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư vào khu bến cảng Liên Chiểu.
Vụ Phát triển hạ tầng và Đô thị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác. Vụ này chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung họp, lấy ý kiến và tổng hợp từ các thành viên, sau đó báo cáo lên Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiện tại, dự án có ba liên danh nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư tổng thể vào khu bến cảng Liên Chiểu, bao gồm: Liên danh APM Terminal - Hateco; Adani - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Sumitomo - BRG.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu được chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021. Phần hạ tầng này đã được khởi công xây dựng vào tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Phần thứ hai của dự án là phần kêu gọi đầu tư, bao gồm việc xây dựng 8 bến container với tổng chiều dài neo đậu 2.750m cho tàu có tải trọng từ 50.000-200.000DWT, 6 bến hàng tổng hợp với tổng chiều dài 1.550m cho tàu có tải trọng từ 50.000-100.000 DWT cùng với bến cho tàu pha sông biển và khu vực hậu phương cảng.
Theo ước tính sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư cho phần kêu gọi đầu tư này vào khoảng 48.304 tỷ đồng.
Cảng Liên Chiểu được khởi công vào cuối năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 và sau khi đi vào khai thác, cảng Liên Chiểu sẽ giảm tải cho cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến sẽ chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch), đồng thời giảm áp lực vận tải trong nội đô.
Theo Quy hoạch tổng thể, cảng Liên Chiểu sẽ cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
Cảng biển 20.000 tỷ lớn nhất tỉnh Đồng Nai sẽ đón chuyến tàu đầu tiên vào cuối tháng 11/2024 
Cảng biển hơn 2.100 tỷ ở tỉnh hẹp nhất Việt Nam chưa khởi công đã gặp 'khó'