Siêu phẩm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp đóng tàu, cũng là công cụ mới để Nga khẳng định vị thế trên thị trường năng lượng toàn cầu
Trong bối cảnh bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe, Nga đã chứng minh khả năng tự sản xuất các thiết bị quan trọng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Nga vừa chính thức trình làng tàu phá băng chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên do nước này tự chế tạo, đánh dấu bước tiến lớn trong tham vọng chinh phục nguồn tài nguyên khổng lồ tại Bắc Cực. Tàu mang tên Aleksey Kosygin, sở hữu khả năng phá băng dày tới 2 mét và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2025.
Ngày 25/12, tàu Aleksey Kosygin đã rời xưởng đóng tàu Zvezda tại Vladivostok để thực hiện các chuyến thử nghiệm trên biển. Đây là lần đầu tiên một tàu phá băng chở LNG được hoàn thiện tại Nga, dù nhiều bộ phận như thân tàu, hệ thống đẩy và màng chứa LNG vẫn phải nhập khẩu từ các đối tác Hàn Quốc và châu Âu trước khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Tàu Aleksey Kosygin dài 300m, rộng 48,8m, được trang bị động cơ công suất 45MW, đủ sức di chuyển độc lập quanh năm trên Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Sau khi chính thức vận hành, tàu sẽ gia nhập đội phá băng phục vụ cho dự án Arctic LNG 2 - nhà máy LNG hàng đầu của Novatek đặt tại bán đảo Gydan ở Bắc Cực.
Ngày 25/12, tàu Aleksey Kosygin đã rời xưởng đóng tàu Zvezda tại Vladivostok để thực hiện các chuyến thử nghiệm trên biển |
Dự án Arctic LNG 2 ban đầu dự kiến sử dụng đội tàu gồm 21 chiếc để vận chuyển LNG quanh năm qua tuyến NSR. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã khiến kế hoạch này gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng. Samsung Heavy Industries (SHI), đối tác cung cấp thân tàu, chỉ kịp bàn giao 5 trong số 15 chiếc trước khi phải hủy hợp đồng vào năm 2024.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc hoàn thiện tàu, Nga còn đối mặt với áp lực từ thị trường quốc tế. Một tàu chở LNG của Nga vào tháng 8 đã phải di chuyển hơn 4 tháng qua Bắc Âu, Địa Trung Hải, Kênh đào Suez, Ấn Độ Dương và Đông Á mà vẫn không tìm được khách hàng.
Theo Tập đoàn dầu khí Rosneft, khu vực Bắc Cực chiếm tới 20% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chưa được khai thác trên toàn cầu, trong đó phần thuộc Nga chiếm tới 80%. Tổng giá trị tài nguyên tại đây được ước tính lên tới 100 nghìn tỷ USD.
Dự án Arctic LNG 2 được kỳ vọng trở thành đòn bẩy quan trọng, giúp Nga tăng thị phần LNG toàn cầu từ 8% hiện nay lên 20% vào năm 2035. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt và sức ép từ phương Tây đang là rào cản lớn đối với tham vọng này.
Việc hoàn thiện tàu Aleksey Kosygin đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực tự chủ ngành công nghiệp đóng tàu của Nga. Trong bối cảnh bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe, Nga đã chứng minh khả năng tự sản xuất các thiết bị quan trọng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Aleksey Kosygin không chỉ là một công cụ vận chuyển LNG mà còn là biểu tượng cho năng lực vượt qua khó khăn của Nga. Với khả năng phá băng mạnh mẽ và hoạt động bền bỉ trong điều kiện khắc nghiệt, con tàu hứa hẹn sẽ mở đường cho Nga khai thác hiệu quả tài nguyên Bắc Cực, củng cố vị thế trong ngành năng lượng toàn cầu.
Nga kỳ vọng, với sự ra mắt của Aleksey Kosygin và các tàu phá băng tiếp theo, Bắc Cực sẽ không chỉ là một khu vực đầy thách thức mà còn là chìa khóa chiến lược giúp nước này khẳng định vị thế trong cuộc cạnh tranh năng lượng quốc tế.
>> Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova: Điểm nóng năng lượng mới tại châu Âu 
Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova: Điểm nóng năng lượng mới tại châu Âu 
Google, Facebook, TikTok... nộp thuế gần 9.000 tỷ đồng trong năm 2024