Sau nhiều năm đi ngang, cổ phiếu DGC tăng phi mã trùng thời điểm Vinachem thoái vốn, đưa hàng nghìn nhân viên Hóa chất Đức Giang trở lên giàu có.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra việc thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC ). Trường hợp có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.
Được biết, Hóa chất Đức Giang tiền thân là công ty Nhà nước được thành lập vào năm 1963, trụ sở đặt tại ngõ 44 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Đến tháng 3/2004, công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Năm 2014, Hóa chất Đức Giang được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sau cổ phần hóa, đến năm 2019, DGC có 2 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền sở hữu 15 triệu cổ phiếu, tương đương 11,65% vốn và Vinachem sở hữu 11,45 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn.
Trước khi Vinachem thoái vốn, cổ phiếu DGC đi ngang suốt nhiều năm |
Vào tháng 11/2019, Vinachem đăng ký bán 11,45 triệu cổ phiếu DGC, thời gian tổ chức vào 31/12/2019 với giá 49.100 đồng/cp, Vinachem ước tính thu về 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn chỉ bán được 200 cổ phiếu do giá trên thị trường khi ấy là 24.000 đồng/cp.
Sau đó, giá cổ phiếu DGC bật tăng mạnh, đến tháng 10/2021, Vinachem thông báo chuyển nhượng toàn bộ 15,14 triệu cổ phiếu DGC (tăng do chia tách) với giá khởi điểm là 152.100 đồng/cp, ước tính thu về 2.300 tỷ đồng.
Từ ngày 8/11 - 7/12/2021, Vinachem bán thành công 9,11 triệu cổ phiếu, giá DGC khi ấy là 169.300 - 154.500 đồng/cp. Ước tính Tập đoàn thu về gần 1.500 tỷ đồng theo giá trung bình.
Số cổ phiếu DGC còn lại là khoảng 6 triệu đơn vị được Vinachem bán từ ngày 3 - 10/3/2022, giá thị trường khi ấy từ 172.000 - 189.000 đồng/cp. Ước tính tập đoàn thu về hơn 1.000 tỷ đồng.
Tổng 2 lần bán, ước tính Vinachem thu về hơn 2.500 tỷ đồng từ việc thoái vốn DGC, gấp khoảng 4,5 lần giá mong muốn năm 2019.
Cổ phiếu tăng nhiều chục lần, cô lao công cũng thành triệu phú USD
Ảnh minh họa |
Đi kèm với thương vụ thoái vốn Nhà nước là đà tăng phi mã của cổ phiếu DGC. Từ đáy Covid-19 tháng 3/2020 đến đỉnh tháng 6/2022, cổ phiếu DGC đã tăng khoảng 20 lần thị giá.
Trong lần phỏng vấn với Forbes Việt Nam thời điểm tháng 6/2022, Chủ tịch Đào Hữu Huyền chia sẻ, một nhân viên vệ sinh môi trường của công ty cũng có 35 tỷ đồng (hơn 1,3 triệu USD), một kỹ sư có hơn 100 tỷ đồng (hơn 3,9 triệu USD) nhờ sở hữu cổ phiếu DGC. Công ty 2.000 nhân sự năm qua có thêm vài trăm ô tô mới nhờ nhân viên trở nên giàu có hơn.
Hiện nay, khối tài sản của Chủ tịch Đào Hữu Huyền ước tính gần 9.000 tỷ đồng, con trai ông là Tổng Giám đốc Đào Duy Anh gần 1.700 tỷ đồng thông qua nắm giữ cổ phiếu DGC, chưa tính hàng nghìn tỷ cổ tức bằng tiền đã nhận trong nhiều năm qua.
Hưởng lợi từ cơn "bão giá" phốt pho vàng
Giá phốt pho vàng giai đoạn năm 2021 - 2022 |
Được biết, trong năm 2021, Trung Quốc thiếu hụt năng lượng nội địa cộng thêm quốc gia này thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá phốt pho vàng liên tục tăng mạnh. Hóa chất Đức Giang hưởng lợi lớn khi là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về phốt pho vàng.
Phốt pho cũng là nguyên liệu chính để sản xuất chip (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).
Từ một doanh nghiệp lãi vài trăm tỷ đồng mỗi năm, Đức Giang bất ngờ ghi nhận khoản lãi 2.388 tỷ đồng vào năm 2021 và 5.565 tỷ đồng vào năm 2022.
>> Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang (DGC)
Coteccons (CTD) làm tổng thầu dự án của Tập đoàn quy mô 23 tỷ USD 
Giai đoạn biến động thượng tầng, 5-10% cổ phần Viconship (VSC) được trao tay mỗi phiên