Quý 1/2023, hầu hết các nhà băng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với cuối năm 2022.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý 1/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022. Đa số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng và tỷ lệ dự phóng rủi ro giảm so với quý trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng mạnh nợ xấu tại các ngân hàng sẽ không dừng lại trong quý 1/2023.
Ngân hàng đau đầu với "bài toán" nợ xấu
Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 1/2023 của 28 ngân hàng cho thấy, quý 1/2023, hầu hết các nhà băng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với cùng cuối năm 2022.
Theo đó, NCB tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở mức 23% trong khi chỉ số này tại thời điểm cuối năm 2022 là 18%. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm nay.
Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý 1/2023 là VIB và ABBank. Tại VIB, số dư nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 của ngân hàng này là 8.347 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2023. Nợ xấu của ngân hàng này theo đó cũng bị kéo từ mức 2,45% lên 3,64%. Tương tự, ABBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,88% lên 4,03% vào cuối quý 1/2023.
Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của 28 ngân hàng. |
Ở chiều ngược lại, BacABank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống ở mức 0,57%, chỉ tăng nhẹ 0,02 điểm % so với hồi đầu năm. Vietcombank và Techcombank cũng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 0,85% trong quý 1/2023.
Hai ngân hàng quốc doanh còn lại gồm VietinBank và BIDV cũng đã kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu lần lượt ở mức 1,28% và 1,55% - thuộc nhóm có tỷ lệ nợ xấu thấp của ngành.
Việc tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh và các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng có thể sẽ là gánh nặng lớn đối với ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà băng trong năm nay.
Chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng
Tại hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi)", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu.
Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA). |
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Tính đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
Bên cạnh đó, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng cho hay.
Lãi suất huy động tăng đột biến lên tới 6,9% hút tiền thưởng Tết 
Dự báo giá vàng 10 ngày tới: Ông Trump đối đầu Fed, vàng phá vỡ đỉnh lịch sử?