Sóng gió chưa qua, áp lực đè nặng lên thị trường 200 tỷ USD
Sự thận trọng của các nhà đầu tư và sóng gió chưa dứt đang đè nặng lên thị trường chứng khoán có quy mô 200 tỷ USD của Việt Nam.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 4/9, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) giảm mạnh. Chỉ số VN-Index  vào đầu phiên mất gần 15 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm.
Ngay khi kết thúc phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ, tất cả 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá. Khối ngoại vẫn bán khá mạnh, tập trung vào một số mã cổ phiếu ngân hàng, tài chính và bất động sản, trong đó có VPBank (VPB), Techcombank (TCB), Chứng khoán SSI (SSI), SeABank (SSB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Vinhomes (VHM)...
Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy tăng trở lại đã giúp thị trường bớt giảm điểm sâu.
Tới 9h50' sáng 4/9, chỉ số VN-Index trở lại ngưỡng 1.275 điểm. Một số mã hồi phục khá mạnh và quay đầu tăng điểm như Vinhomes, Vincom Retail (VRE), BIDV (BID), PV GAS (GAS).
Cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng khá mạnh, tới 9h52' thêm 650 đồng lên 42.150 đồng/cp dù khối ngoại bán ra hơn 491.000 đơn vị, trong khi chỉ mua khoảng 190.000 đơn vị.
Trước đó, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định “chơi lớn” chưa từng có khi chọn phương án chi cả chục nghìn tỷ đồng để mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Đây cũng chính là thông tin hỗ trợ cổ phiếu VHM tăng khá mạnh trở lại trong tháng 8.
Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VHM rơi về mức giá thấp nhất lịch sử và doanh nghiệp này cho rằng thấp hơn so với giá trị thực của công ty. Việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.
Đây là cách mà các công ty niêm yết trong và ngoài nước thường dùng để bảo vệ giá khỏi giảm quá sâu.
Năm 2019, Vinhomes từng mua lại 60 triệu đơn vị với giá giao dịch bình quân khoảng hơn 92.000 đồng. Tới năm 2021, Vinhomes đã bán hết lượng cổ phiếu quỹ này với giá trên thị trường khi đó khoảng 110.000 đồng/cp.
Mặc dù một số mã cổ phiếu trụ cột hồi phục nhưng nhìn chung áp lực bán vẫn áp đảo trên diện rộng. Sự thận trọng bao trùm.
Chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh sóng gió nổi lên trên thị trường tài chính thế giới.
Chứng khoán Mỹ trong phiên đầu tháng 9 đỏ rực. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 600 điểm (1,5%) trong phiên đầu tháng 9. Các cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo và một vài số liệu kinh tế ảm đạm làm dấy lên mối lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn số 1 thế giới.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 2,1%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm gần 3,3%.
Cổ phiếu Nvidia giảm 9,5%, qua đó khiến vốn hóa của ông lớn sản xuất chip mất gần 280 tỷ USD - một cú bốc hơi lớn chưa từng có trên thị trường chứng khoán Mỹ, bất chấp doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Giới đầu tư được cho là đã kỳ vọng quá cao vào ông lớn này.
Chứng khoán Mỹ có một năm tăng điểm rất mạnh, liên tục lập kỷ lục cao mới. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường trong một thời gian dài. Áp lực chốt lời gần đây xuất hiện mỗi khi có thông tin xấu về nền kinh tế Mỹ.
Tại châu Á, sáng 4/9, nhiều thị trường chứng khoán, như Nhật cũng giảm khá mạnh.
Trước đó, TTCK Việt Nam đã có một đợt tăng khá mạnh với chỉ số VN-Index có thêm 100 điểm trước kỳ nghỉ lễ. Áp lực bán ra được cho là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, sự thận trọng của các nhà đầu tư và sóng gió chưa dứt ở nhiều nơi là yếu tố ngăn cản dòng tiền đổ vào.
Điểm đáng lưu ý là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán mạnh cổ phiếu Việt. Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng gần 3 tỷ USD cổ phiếu Việt. Tính từ 2020 tới nay, giá trị bán ròng còn lớn hơn nhiều, xóa hết thành quả từ trước tới nay.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hiện có vốn hóa khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 200 tỷ USD.
>>Thị trường chứng khoán 'tỉnh giấc' sau kỳ nghỉ lễ: Bùng nổ hay điều chỉnh?
Sau nghỉ Lễ 2/9, VN-Index có thể vượt 1.300 điểm? 
Một cổ phiếu miệt mài thủng đáy lịch sử trong tháng VN-Index tăng gần 57 điểm