Tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Trung Dũng gắn liền với Công ty CP Dh Foods, một thương hiệu gia vị Việt truyền thống đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đồng thời, CEO Trung Dũng cũng được biết tới nhiều hơn sau khi tham gia chương trình "Whose Chance - Cơ hội cho ai".
Dh Foods đã sản xuất được rất nhiều loại gia vị từ các vùng miền Bắc – Trung – Nam, cung cấp cho hầu hết các siêu thị tại Việt Nam và xuất khẩu đi rất nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Đức…
Trước khi về Việt Nam, ông Nguyễn Trung Dũng từng có nhiều năm sinh sống và kinh doanh tại nước ngoài. Chuỗi ngày khởi nghiệp đối với ông kéo dài hơn 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Ở Ba Lan, ông được coi là một doanh nhân thành công khá sớm, là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm nhập từ Việt Nam vào được các hệ thống siêu thị toàn quốc những năm 90.
Năm 2010, ông Dũng trở về Việt Nam và thành lập Dh Foods với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng từ tiền tự có của 2 vợ chồng. Trả lời phỏng vấn báo Dân Trí, CEO Dh Foods cho biết, trong 6 năm liên tục, công ty đã tăng trưởng trung bình 50%/năm.
CEO của Dh Foods - Ông Nguyễn Trung Dũng |
Hồi đầu năm, trong buổi tọa đàm "Marketing 'vượt gió rẽ sóng' trong thời kỳ khủng hoảng" do Hiệp Hội Marketing Việt Nam - Vietnam Marketing Group (VMG) và Khoa Quản trị Kinh doanh Học viện Ngân hàng tổ chức, ông Dũng chia sẻ, cho đến ngày hôm nay, công ty vẫn chưa phải vay ngân hàng một đồng nào.
>> CEO Dh Foods đưa gia vị Việt ra Thế giới 
CEO Dh Foods chia sẻ: "Dù là thời điểm khởi nghiệp hay hiện tại - sau 12 năm gây dựng và phát triển, tôi vẫn chưa từng đi vay ngân hàng để tránh tự gây áp lực cho bản thân và nhân viên. Càng khủng hoảng, chúng ta lại càng phải tiết kiệm."
Tuy nhiên, điều quan trọng mà Startup nào cũng muốn biết là, đằng sau tuyên bố chưa từng đi vay ngân hàng là cách vận hành doanh nghiệp ra sao, tiềm lực tài chính, nguồn vốn như thế nào?
Tổng hợp lại từ những chia sẻ của CEO Dh Foods, có thể rút ra 3 nguyên nhân đằng sau tuyên bố "chưa từng đi vay ngân hàng".
Một là tiết kiệm. Thời gian đầu khởi nghiệp, tất cả các khâu như sản xuất, lưu kho, vận chuyển, kế toán của doanh nghiệp đều đi thuê gia công, mua ngoài để tiết kiệm tối đa chi phí.
Dh Foods là một công ty rất nhỏ, nhân sự gọn nhẹ, ngoài việc sản xuất, thì kho, logistics, thiết kế, công bố sản phẩm, đăng ký thương hiệu đều thuê hết.
Hai là vay tiền...vợ. Mặc dù đã cố gắng thu vén nhưng thời gian đầu khi kết quả kinh doanh chưa hiệu quả, thậm chí “đốt tiền”, dẫn đến hệ quả tất yếu là công ty lỗ. Dh Foods cần thêm vốn để tiếp tục hoạt động nhưng việc đi vay ngân hàng không khả thi bởi kết quả kinh doanh kém, không có thế chấp và nhiều vấn đề khác.
Trong hoàn cảnh này, nhiều người sẽ đi vay nặng lãi nhưng theo ông chủ Dh Foods chia sẻ, không nên làm vậy bởi nhiều khi đó là gánh nặng lâu dài. Lợi nhuận làm ra có thể không đủ trả lãi vay, chưa nói đến tiền gốc vay sẽ khiến các "startup" chán nản.
Trên thực tế, trong một bài phỏng vấn báo Đầu tư, ông chủ Dh Foods đã tiết lộ đến cuối năm 2013, công ty cạn tiền. Hai vợ chồng ông Dũng lấy tiền riêng cho công ty vay, mỗi tháng mấy trăm triệu để trả lương. Tiền cứ trôi đi không trở lại.
Cuối năm 2013, may mắn đã mỉm cười với Dh Foods. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng Co.opmart và Big C cũng đồng ý cho sản phẩm của Dh Foods lên kệ, mở ra thời kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, sau đó, công ty vẫn lỗ tiền tỷ và ông Dũng lại tiếp tục… vay vợ để bù lỗ.
>> CEO Dh Foods: “Tôi muốn nhân viên đi làm phải vừa có thu nhập tốt vừa phải có niềm vui” 
Tất nhiên, không phải ai cũng có thể vay tiền vợ, nhưng về cơ bản, như lời khuyên của ông Nguyễn Trung Dũng: "Bạn có thể vay gia đình hay bạn bè thân vì đó là những người tin tưởng bạn tuyệt đối, không ép bạn vay lãi cao hay trả sớm (tất nhiên có những trường hợp đặc biệt). Quan trọng là doanh nghiệp của bạn minh bạch, phát triển đều, cơ hội vay tiền sẽ cao hơn. Dh Foods năm đầu tiên doanh số chỉ mấy trăm triệu đồng, sau lên mấy tỷ đồng, rồi 10 tỷ đồng, rồi lên mười mấy tỷ đồng,…”
Ông Nguyễn Trung Dũng không phải vay ngân hàng dù chỉ một đồng từ khi thành lập Dh Foods |
Ba là thận trọng trong đầu tư, tránh dùng đòn bảy lớn. Sau này, khi đã ở giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, có được sản phẩm, đầu ra ổn định và doanh số tăng trưởng tốt doanh nghiệp vẫn cần “vén khéo” trong kinh doanh, chọn những phương án đầu tư tối ưu tránh gánh nặng tài chính. Như Dh Foods, khi doanh số lên trên 30 tỷ đồng, công ty bắt đầu cân bằng thu chi, ổn định về dòng tiền và bắt đầu chuỗi tăng trưởng bền vững. Dh Foods có dòng tiền ổn định, đủ trả lương thưởng cho mọi người và đầu tư nhà xưởng cho tương lai.
Tuy nhiên, ngay cả về cách đầu tư, doanh nghiệp cũng chọn phương án tối ưu nhất, đó là thuê xưởng, tiền tập trung cho hoàn thiện nhà xưởng và máy móc. Nếu công ty mua đất, xây nhà máy hoặc phải vay nợ nhiều, sẽ không phát triển được nhanh.
"Ông trùm gia vị" cho biết trong năm 2023, dù thị trường biến động, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua giảm nhưng Dh Foods không phải đi vay ngân hàng. Cách giải quyết là giảm giá sản phẩm tối đa, dành nhiều ưu đãi cho khách hàng, đối tác, giảm ngân sách Marketing, hỗ trợ in tờ rơi, tặng xe thử mẫu, tặng kệ trưng bày,..