Theo những tiết lộ mới nhất từ Sun Group, Công viên Kim Quy (Đông Anh, Hà Nội) sẽ được xây dựng theo mô hình công viên mở; du khách sẽ được miễn phí vào cửa, chỉ phải trả tiền khi chơi trò chơi hoặc sử dụng dịch vụ tại đây.
Dư luận đang rất quan tâm đến dự án Công viên Kim Quy sau phiên giải trình của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Xin ông chia sẻ đôi chút về mô hình của công viên này?
Với mong muốn xây dựng một công viên để tất cả mọi người dân thủ đô và du khách đến Hà Nội đều có thể tiếp cận, Kim Quy sẽ được vận hành theo hướng công viên mở. Du khách sẽ không mất phí vào cửa công viên mà chỉ phải trả tiền cho các hạng mục trò chơi hoặc dịch vụ mà họ sử dụng.
Ý tưởng công viên mở không hề mới, nhưng đây là tâm huyết của Sun Group cùng với các đơn vị thiết kế cũng như thành phố Hà Nội, để đem tới cho thủ đô một điểm đến văn hóa xứng tầm quốc tế nhưng cũng là điểm đến để bất cứ ai, khi có nhu cầu, đều có thể tận hưởng những giá trị mà Công viên Kim Quy mang tới.
Vậy công viên Kim Quy sẽ có quy mô và đẳng cấp như thế nào, thưa ông?
Trên tổng diện tích 101ha, Công viên Kim Quy sẽ là một tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, quy tụ các công viên chủ đề và công viên giải trí tầm cỡ khu vực với ý tưởng hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Đây cũng sẽ là điểm vui chơi giải trí phải đến với du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô, và Kim Quy cũng sẽ là ngôi sao mới, có thể nói là sáng nhất, trong hệ thống các công viên Sun World của Tập đoàn Sun Group.
Với thiết kế độc đáo, được thực hiện bởi những nhà tư vấn hàng đầu thế giới, Công viên Kim Quy được kiến tạo để trở thành một điểm hẹn văn hóa, một trong những công viên công nghệ thực tế ảo quy mô hàng đầu châu Á.
Rất nhiều công trình kiến trúc tại công viên sẽ trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo nhân dân thủ đô và du khách. Nhiều trò chơi lần đầu có mặt tại châu Á như roller coaster gỗ 2 làn trượt cũng sẽ được đưa về đây. Show diễn trên mặt nước với sân khấu hình rùa nổi từ dưới nước lên, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Kim Quy và Hoàn Kiếm, sẽ là sản phẩm chỉ công viên Kim Quy mới có. Một Làng gốm ánh sáng, được kiến tạo bởi các mảnh ghép từ gốm màu (mosaic), cũng sẽ tạo nên quần thể công trình kiến trúc độc nhất vô nhị cho Hà Nội, tại công viên này.
Tổng mức đầu tư cho dự án này sẽ là bao nhiêu? Và để hiện thực hóa những ý tưởng thú vị trên, chắc hẳn sẽ không chỉ có một đơn vị đối tác tham gia vào dự án này của Sun Group?
Với quy mô nói trên, dự kiến chi đầu tư cho dự án sẽ vào khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, tiếp tục triết lý “đứng trên vai người khổng lồ”, Sun Group đã mời nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tham gia cùng chúng tôi hiện thực hóa những ý tưởng trên cho công viên.
Cụ thể, Forrec’s- Công ty thiết kế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và hoạt động tại 30 nước trên giới, chuyên thiết kế và quy hoạch các công viên chủ đề, công viên nước… sẽ thiết kế tổng thể toàn bộ công viên. KTS lừng danh Bill Bensley, người đã cùng Sun Group tạo nên những công trình nghỉ dưỡng biểu tượng cho Việt Nam như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriot Phu Quoc Emerald Bay… sẽ phụ trách thiết kế phân khu Phượng Hoàng. Franco Dragone’s – thương hiệu 70 năm kinh nghiệm của Ý, cha đẻ của những show diễn nổi tiếng toàn cầu như Lido- Paris Merveilles- show cabaret hoành tráng ở Champs-Élysées (Paris- Pháp), hay The house of dancing Water tại Macau… sẽ là đơn vị đảm trách thiết kế các show diễn tại khu vực Kim Quy.
Hội tụ những tên tuổi lớn trên, cùng với các đối tác xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, công viên Kim Quy sẽ là một biểu tượng mới của Hà Nội, trên hành trình trở thành điểm đến văn hóa và vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam.
Đây là dự án trọng điểm của Hà Nội, song tiến độ dự án lại đang là câu hỏi được đặt ra tại phiên giải trình của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Với vai trò đại diện chủ đầu tư, xin ông nêu rõ đâu là những vướng mắc dẫn đến việc dự án chậm triển khai?
Trước hết, chúng tôi hết sức cảm ơn lãnh đạo TP Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời, để giải quyết những vướng mắc tồn đọng cho các dự án công viên văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Phiên họp giải trình của HĐND TP Hà Nội vừa qua cũng thể hiện sự quan tâm thấu đáo của Lãnh đạo thành phố đến các công trình văn hóa, giải trí của thành phố, trong nỗ lực phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chúng tôi khẳng định rằng dự án vẫn đang được Sun Group và UBND huyện Đông Anh cùng TP. Hà Nội triển khai với những nỗ lực cao nhất. Sau khâu điều chỉnh quy hoạch của thành phố với dự án này, song song với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Sun Group đã cùng các đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế dự án, cập nhật những hạng mục mới hấp dẫn và hiện đại nhất, bắt kịp những xu thế công nghệ giải trí tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay.
Hiện nay, trên tổng diện tích 1.010.906,6m2 của dự án, đã có 974.097m2 mặt bằng được bàn giao cho Sun Group, tương đương với 97% vào tháng 10/2021. Sun Group cũng đã dành gần 700 tỷ đồng cho công tác GPMB dự án. Theo quan điểm của chúng tôi, những khó khăn vướng mắc lớn nhất cũng đã qua. Hiện nay, TP Hà Nội, huyện Đông Anh cùng với Sun Group đang thúc đẩy việc GPMB nốt phần diện tích mặt bằng còn lại.
Tuy nhiên, phần diện tích này gồm nhiều mộ phần nằm rải rác trên mặt bằng tổng thể dự án, gây những khó khăn nhất định đến việc triển khai đồng bộ các hạng mục của công viên. Liên quan đến yếu tố tâm linh, đây là vấn đề nhạy cảm, UBND huyện Đông Anh đã và đang cùng chủ đầu tư xúc tiến làm việc, thuyết phục, động viên các gia đình có mộ phần nằm trên diện tích cần bàn giao di dời, để sớm thúc đẩy công tác GPMB, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công.
Vậy theo ông, đến khi nào thì người dân Thủ đô có thể có một Công viên quy mô như ông đã mô tả?
Bằng kinh nghiệm đã thực hiện nhiều dự án công viên giải trí tầm cỡ quốc tế trên khắp Việt Nam như Sun World Ba Na Hills, Công viên châu Á - Asia Park, Sun World Halong Complex, Sun World Hon Thom Nature Park… và với những nỗ lực đẩy mạnh công tác chuẩn bị hồ sơ cấp phép cho dự án này, Sun Group sẽ dồn nguồn lực, nhanh chóng triển khai và đưa công viên vào khai thác trong vòng 2 năm, kể từ khi được cấp phép.
Nhiều nhà đầu tư sẽ nản lòng trước những khó khăn về nguồn lực và thời gian, đặc biệt, hai năm Covid-19 đã khiến họ kiệt quệ. Thế nhưng Sun Group vẫn kiên định với dự án công viên Kim Quy. Kỳ vọng của Tập đoàn khi thực hiện dự án này là gì?
Với mong muốn làm đẹp, làm giàu những vùng đất, 15 năm qua, Sun Group vẫn kiên định với định hướng phát triển lấy Du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí là lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Tập đoàn. Việc tiếp tục đầu tư phát triển các công viên giải trí như Công viên Kim Quy vừa là nhiệm vụ, định hướng phát triển của chúng tôi, nhưng hơn thế nữa, đây cũng là định hướng phát triển du lịch của Thủ đô, mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến rất giàu tiềm năng nhưng chưa hề có một công viên giải trí có quy mô xứng tầm quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ nỗ lực, bằng mọi nguồn lực của mình, để có thể sớm đưa dự án thành hiện thực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ nông nghiệp đến du lịch, Chủ tịch Thaco, Sun Group tham vọng thay đổi diện mạo Tây Nguyên