Tăng trưởng 2025: Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ dịch chuyển đầu tư toàn cầu
Bình luận về động lực cho tăng trưởng 2025, PGS-TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, đồng thời trao quyền chủ động hơn cho các thành phố lớn để phát huy thế mạnh vùng miền.
Cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định
Năm 2024, kinh tế Việt Nam  chứng kiến nhiều bứt phá. Chính phủ, Đảng và Nhà nước đã điều hành quyết liệt, đặc biệt trong việc giải quyết khó khăn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công . Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm, vượt kết quả của năm 2023 và gần bằng năm 2022.
Cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định. |
Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với khí thế mới và động lực mới đang bao trùm để bước vào kỷ nguyên mới. Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  đã ký Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong 2025 và hướng tới hai con số trong điều kiện thuận lợi.
Về động lực của tăng trưởng, TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích cụ thể về cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng tốt hơn.
“Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng để giúp thúc đẩy thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực”, ông Khôi khẳng định.
Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.
Hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ là cơ sở giúp đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
>>Bất động sản 2025 đón nhiều cơ hội hơn cho người mua ở thực và cả nhà đầu tư 
Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu
Trong khi đó, về phần mình, PGS-TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, đồng thời trao quyền chủ động hơn cho các thành phố lớn để phát huy thế mạnh vùng miền.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. |
Một động lực quan trọng là việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Điều này sẽ tạo nền tảng thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực đột phá chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây - những ngành có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn với các cơ chế ưu đãi đặc thù và hoàn thiện hệ thống tín dụng xanh. Về xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh, kết hợp với phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp kích thích cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong Nghị quyết 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội đã đưa cải cách thể chế lên vị trí đầu tiên trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
“Trong năm 2025, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh; giảm bớt các giấy phép, thủ tục không cần thiết; cắt giảm chi phí; tăng cường dịch vụ công trực tuyến... để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Lạng nói.
Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA; khai thác tác động tích cực của đầu tư công và đầu tư FDI, đầu tư tư nhân để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Đồng thời, cần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương để phát huy tính đặc thù và tăng cường liên kết vùng.
>>FDI và đầu tư công: Cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2025
19 quỹ mở báo lãi tăng trưởng hai chữ số, ACB và FPT chiếm sóng danh mục đầu tư 
TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững