Tết Trung thu gặp nghệ nhân tò he làng Xuân La: Người đưa món đồ chơi dân gian từ góc làng ra sân chơi Quốc tế
Từ bên bờ vực bị lãng quên, tò he đã vươn mình vượt qua ranh giới làng quê, trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Giữa những thay đổi của thời đại và thăng trầm của đất nước, tò he – món đồ chơi dân gian truyền thống từng có lúc tưởng chừng như bị lãng quên trước làn sóng đồ chơi nhập khẩu. Thế nhưng, nhờ vào sự tận tâm và lòng yêu nghề của các nghệ nhân, tò he đã được hồi sinh mạnh mẽ và phát triển rực rỡ tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội .
Tết Trung thu năm nay, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Nghệ nhân  Ưu tú Nguyễn Văn Thành (SN 1978), người đã dành hơn 30 năm cuộc đời để gắn bó và phát triển nghề nặn tò he.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thành
Sinh ra và lớn lên tại quê hương chiêm trũng Xuân La, nơi có truyền thống nặn tò he, anh Thành đến với nghề một cách tự nhiên. Theo anh, “con nhà nòi, chẳng học cũng biết làm”. Từ nhỏ, ký ức của anh đã gắn liền với những gánh tò he dạo khắp các con phố của Hà Nội.
Chia sẻ thêm về nguồn gốc của món đồ chơi này, anh Thành nói: “Ngày xưa, tò he được gọi là bánh chim cò vì nguyên liệu làm từ bột gạo nếp, có thể ăn được, và thường nặn thành hình chim cò. Sau đó, trẻ con gắn thêm cái còi vào bánh, khi thổi lên phát ra tiếng “tò te tí te” vui tai, từ đó cái tên tò he ra đời, thay thế cho tên bánh chim cò”.
Chỉ với năm màu cơ bản, cha ông ta đã khéo léo sáng tạo ra vô số sắc thái khác nhau từ nguyên liệu thiên nhiên. Màu đỏ được chiết xuất từ quả gấc, màu xanh từ lá trầu và màu đen từ quả cây phèn đen.
Chỉ với năm màu cơ bản, người Nghệ nha đã khéo léo sáng tạo ra vô số sắc thái khác nhau từ nguyên liệu thiên nhiên.
Theo chia sẻ của nghệ nhân, từng công đoạn trong quy trình làm tò he đều quan trọng và yêu cầu sự tinh tế. Từ việc kỹ thuật vê bột, véo bột, tạo vân, đến việc pha chế màu sắc đều cần một bí quyết riêng, là nhân tố quyết định đến chất lượng và sự tinh xảo của từng sản phẩm tò he.
Dù nghề nặn tò he đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng không ai biết rõ chính xác bắt đầu từ khi nào. Các nghệ nhân gạo cội như anh Thành cũng chỉ ước đoán khoảng trên dưới 300 năm. Tuy nhiên, một điều mà anh Thành khẳng định chắc chắn rằng, Xuân La là nơi duy nhất ở Việt Nam còn giữ nghề nặn tò he truyền thống.
Trước kia, người dân làng Xuân La thường nặn sẵn những con tò he tại nhà rồi mang ra chợ bán. Các con giống lúc đó được cẩn thận gắn vào những vòng tre nhỏ để trưng bày. Tuy nhiên, với thời gian và sự thay đổi trong cách thức sáng tạo, nghệ nhân đã bắt đầu tạo hình tò he trực tiếp lên que tre, vừa tiện lợi để cầm nắm, vừa có thể dùng làm đồ trang trí.
Hình ảnh các nghệ nhân với chiếc thùng gỗ nhỏ hoặc thùng xốp, bên trong chỉ vài cục bột màu, chiếc lược con, vài chiếc que tre và chút sáp ong, đã trở thành ký ức quen thuộc trong những phiên chợ quê, làng xóm hay trên những con phố đông đúc. Họ rong ruổi khắp nơi, mang theo nghệ thuật nặn tò he truyền thống, đem niềm vui và những sắc màu sống động đến mọi miền đất nước mỗi dịp lễ.
Các con sản phẩm thành hình dưới đôi tay khéo léo của Nghệ nhân
Tuy nhiên, làng nghề tò he Xuân La từng có lúc đứng bên bờ vực mai một những biến động của thời cuộc. Anh Thành chia sẻ, thời xưa, trẻ con trong làng chỉ có những món đồ chơi đơn sơ như tò he, vừa chơi vừa có thể ăn. Tuy nhiên, sự phát triển của thời đại và những khó khăn kinh tế đã khiến nghề này dần chìm trong lãng quên.
Bên cạnh đó, sự ra đời và thịnh hành của các món đồ chơi nhập khẩu đã khiến nhiều nghệ nhân chán nản và bỏ nghề. Anh Thành nhớ lại, năm 2009, khi số người theo nghề làm tò he chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, anh Thành đã thành lập CLB “Tò he Xuân La”, với mục tiêu khôi phục và phát triển nghề nặn tò he. Nhờ sự ủng hộ của người dân và chính quyền, CLB đã phát triển từ 54 thành viên ban đầu lên hàng trăm người.
Sau những nỗ lực không ngừng, anh Thành đã kiến nghị chính quyền Hà Nội tạo không gian mở để làng nghề phát triển lâu dài. Kết quả là một gian hàng cố định trên phố đi bộ Hồ Gươm đã được dành riêng cho nghệ nhân tò he Xuân La.
Các gian hàng tò he tại phố đi bộ Hồ Gươm
Đặc biệt, nghề nặn tò he không chỉ được duy trì mà còn âm thầm phát triển mạnh mẽ. Anh Thành chia sẻ, trong vài năm gần đây, anh cùng các nghệ nhân làng Xuân La đã phát hiện ra một loại nguyên liệu tự nhiên mới, có khả năng bảo quản các sản phẩm tò he trong nhiều năm mà vẫn giữ được độ tươi mới. Bí quyết này chính là yếu tố then chốt, giúp tò he Xuân La giữ vững sức cạnh tranh với các sản phẩm tương tự trên thị trường quốc tế.
Trên tay anh Thành là sản phẩm tò he có thể lưu giữ đến vài năm
Những năm gần đây, nghề nặn tò he đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, với các nghệ nhân được mời sang Mỹ, Nhật Bản, Anh, Lào, Campuchia… để biểu diễn và giảng dạy. Đây là minh chứng cho thấy tò he không chỉ là món đồ chơi giản dị mà còn là biểu tượng văn hóa sống động, góp phần quảng bá nét đẹp của nghệ thuật dân gian Việt Nam ra thế giới.
Trong suốt hơn 10 năm, CLB Tò he Xuân La do anh Thành đứng đầu đã tổ chức nhiều hội thi nặn tò he quy mô thành phố, thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ. Không chỉ giữ gìn làng nghề, CLB còn giúp nhiều nghệ nhân trở lại với nghề và có thu nhập ổn định.
Hơn 30 năm rong ruổi khắp các con ngõ của Hà Nội và nhiều lễ hội lớn nhỏ, bước chân của anh Thành dường như không hề mệt mỏi. Dù đi đến đâu, anh cũng cố gắng truyền dạy nghề nặn tò he cho những ai yêu thích. Anh tâm sự: “Thấy bọn trẻ mê mẩn nặn, giũa, ghép từng chi tiết, tôi vui mừng vô cùng. Các cháu có thể chưa hiểu hết giá trị của làng nghề, nhưng chính các cháu là hạt giống sẽ tiếp nối và giữ gìn truyền thống trong tương lai”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành miệt mài truyền dạy nghề nặn tò he
Anh Thành chia sẻ rằng, vào các dịp Trung thu, Tết,... những sản phẩm tò he rực rỡ, ngộ nghĩnh của làng Xuân La không chỉ là món đồ chơi mà còn là món quà tinh thần, khơi gợi cảm xúc và gợi lại ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Trong dịp Tết Trung thu năm nay, những chiếc tò he rực rỡ lại một lần nữa khoe sắc trên phố đi bộ Hồ Gươm, xuất hiện trên nhiều mâm cỗ,...mang theo niềm tự hào và hi vọng vào tương lai tươi sáng cho làng nghề truyền thống.
Dứt câu chuyện, anh Thành nở nụ cười khi cầm trên tay một con rồng tò he vừa hoàn thiện xong. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là khi thấy anh hoàn thành tác phẩm một cách điêu luyện mà vẫn giữ được sự tập trung vào câu chuyện mình kể. Nhìn sản phẩm tò he nhỏ nhắn với màu sắc sinh động, người ta mới cảm nhận hết được sự đam mê và tài năng nghệ thuật của người nghệ nhân trong từng sản phẩm.
Được biết, trong nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen và Giấy khen từ các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, anh đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Nghệ nhân Ưu tú" và được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những phần thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cho tài năng mà còn là minh chứng cho những nỗ lực và đóng góp không ngừng nghỉ của anh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể nói, dù dòng chảy của thời gian và sự thay đổi của xã hội có tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề truyền thống, nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa và lòng nhiệt huyết của những nghệ nhân như anh Thành, tò he sẽ tiếp tục gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam.
>> Hơn nửa cuộc đời lưu giữ ‘kho báu’ người Mường của người phụ nữ Hà Nội