Thái Nguyên: Phát triển hạ tầng giao thông - "chìa khóa" thu hút đầu tư
Với mục tiêu thu hút đầu tư nhằm xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nhiều công trình đã được xây dựng mới để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển giao thương, hợp tác làm ăn.
Giao thông tạo 'cú hích' cho phát triển
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, để tạo bước phát triển đột phá, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà tỉnh Thái Nguyên xác định là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị và công nghiệp tại các khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, hình thành vùng động lực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.
Sau nhiều năm được đầu tư theo hướng làm "khâu đột phá" để thu hút đầu tư, ngành giao thông vận tải (GTVT) Thái Nguyên đã và đang phát triển theo đúng sứ mệnh của mình. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT tiếp tục được tăng cường; phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được ngành sát sao trong chỉ đạo từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng công trình. Công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực ngành quản lý được quan tâm, tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện đầu tư.
Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ "xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội", những năm qua hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải đã được Thái Nguyên quan tâm, kêu gọi đầu tư và đầu tư hoàn chỉnh. Đến hôm nay, bức tranh toàn cảnh về giao thông vận tải Thái Nguyên đã trở lên đồng bộ, từng bước hiện đại và trở thành lợi thế để các nhà đầu tư tìm đến với Thái Nguyên.
Có được kết quả đó, chính là khâu định hướng "đi trước một bước" được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách cho ngành giao thông vận tải trong xây dựng hạ tầng giao thông kết nối. Đến nay, giao thông Thái Nguyên đã kết nối hoàn chỉnh các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ qua các tuyến giao thông đối ngoại như: Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, đường Thái Nguyên-Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ 3 (Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng), QL 37, QL 17 (Bắc Giang-Thái Nguyên-Tuyên Quang-Hà Giang), QL 1B (Thái Nguyên-Lạng Sơn), QL 3C (Thái Nguyên-Bắc Kạn).
Việc khơi thông hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang "tính liên kết, kết nối vùng" trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là "điểm đến tin cậy" đối với các nhà đầu tư.
Đột phá với các mục tiêu trọng điểm theo quy hoạch tỉnh
Với nhiệm vụ lấy "giao thông làm khâu đột phá", làm đòn bẩy thu hút đầu tư để Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Việt Bắc, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện bài bản các chương trình, dự án về giao thông đồng bộ với những giải pháp tối ưu nhất. Với nguồn lực hạn chế, Thái Nguyên đã tập trung cao độ cho hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp trọng yếu phía Nam của tỉnh với giao thông đối ngoại của tỉnh. Hệ thống đường gom QL 3 mới, hệ thống đường 47 m, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn đi trùng đại lộ Đông Tây) đã, đang được ngành GTVT tích cực triển khai, với mục tiêu sớm nhất mang đến một diện mạo giao thông mới cho Thái Nguyên để thu hút đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư lớn nước ngoài, Thái Nguyên được biết đến là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao…
Không chỉ dành nguồn lực cho khu vực đô thị và khu vực công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên luôn huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực miền núi, nông thôn. Tính đến năm 2022, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 120 xã, đạt 87,6%; 52 cầu dân sinh đầu tư theo dự án quản lý đường địa phương (LRAMP) và 186 cầu treo dân sinh miền núi đã được hoàn thiện giúp giao thương của nhân dân, các dân tộc trong tỉnh được thuận lợi, an toàn.
Về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng số vốn 5.961 tỷ đồng. Trong đó có dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (Đại Từ) là dự án sân golf đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha… sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.
Tỉnh tiếp tục tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài bằng sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của lãnh đạo tỉnh với các dự án đầu tư vào Thái Nguyên. Các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc, như SK EcoPlant, Lotte E&C, Hyosung, CJ, Asam Security, Hana, KepCo… cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến tỉnh.
Có thể nói Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng từng nhấn mạnh trước các nhà đầu tư lớn: Thái Nguyên đang là 'mảnh đất hứa' trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù. Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng có của Thái Nguyên. Đồng thời, các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm... Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.
Gần đây nhà đầu tư càng ấn tượng với Thái Nguyên khi đây là một trong 5 tỉnh sớm nhất cả nước được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều đó cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong tổ chức xây dựng quy hoạch.
Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây, diện mạo của tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đó chính là động lực để tỉnh Thái Nguyên ngày càng vươn cao, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.