Thaiholdings (THD) sắp hết "của để dành" cho các BCTC nửa cuối năm?

03-09-2022 12:36|Đức Quân

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã báo lãi đậm ngoài hoạt động kinh doanh chính thông qua nhượng bán, thoái vốn cổ phần tại các công ty liên quan qua đó giúp kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính trở nên "đồ sộ" hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 mới đây, CTCP Thaiholdings (Mã THD - HNX) báo doanh thu đạt hơn 2.685 tỷ đồng - giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 217 tỷ đồng - giảm gần một nửa so với mới mức 397 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 đồng thời cũng giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Khoản tiền thu được từ đợt thoái vốn khỏi Thaispace và Tôn Đản đã giúp THD thu về khoản lãi trăm tỷ trong quý II/2022.

Đáng chú ý, cũng ghi nhận tại tài cáo kiểm toán đợt này, công ty con của THD là Tập đoàn Thaigroup đã rót 600 tỷ đồng cùng với CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Xuân Thiện Thanh Hóa 3 lập dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống.

Với động thái kể trên, Thaiholdings của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy trở thành doanh nghiệp tiếp theo tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai (HAG); Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), BaF,... sau những thành công của nhóm công ty này, đặc biệt là HAGL những quý gần đây.

Đây cũng là diễn biến mới nhất sau khi ông Nguyễn Đức Thụy và Thaiholdings tuyên bố "từ bỏ" Thaispace.

Được biết ngày 29/12/2021, HĐQT CTCP Thaiholdings đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace, doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới 26.688 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Theo ghi nhận, phần góp vốn của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng - tương ứng 5%. Bên cạnh đó, Bầu Thụy góp tới 75% vốn - tương đương 20.016 tỷ đồng vào Thaispace. Đáng chú ý, con gái Bầu Thụy cũng đứng tên “rót” gần 2.669 tỷ - tương ứng 5% vốn tại Thaispace đồng thời ngồi ghế Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thaispace.

Ngày 13/5/2022, vốn điều lệ của Thaispace giảm mạnh từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng, tức chưa tới 1/10 vốn điều lệ công bố ban đầu. Bên cạnh động thái giảm vốn, Thaispace cũng công bố chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đến ngày 14/6, Công ty TNHH Thaispace một lần nữa đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc với nguồn vốn điều lệ không đổi.

THD chỉ còn nắm giữ 9,25% vốn điều lệ của Bãi Thơm - Phú Quốc. THD đặt mục tiêu sẽ hoàn tất việc chuyển nhượng vốn trong quý III/2022.

Cần nhớ rằng, kể từ khi lên HNX quý II/2020, lợi nhuận của Thaiholdings thường tăng đột biến trong các quý IV/2020 với 1.020 tỷ nhờ thương vụ chuyển nhượng tài sản để ghi nhận lãi khoảng 1.200 tỷ đồng của Thaigroup; quý IV/2021 lãi hơn 680 tỷ nhờ thương vụ bán hàng chục triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank.

lnst-va-quy-mo-von-chu-so-huu-cua-thaiholdings-tu-khi-len-san-hnx.png

Lãi đậm trong quý IV/2020 đã ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu THD trên thị trường tăng vọt 10 lần từ mức 20.x đồng (tháng 11/2020) lên 200.x đồng (tháng 2/2021). Đà tăng này nhanh chóng đưa ông Nguyễn Đức Thụy góp mặt trong top tỷ phú sàn chứng khoán và tiếp tục gia tăng giá trị tài sản khi cổ phiếu THD lập đỉnh 277.000 đồng tại thời điểm kết thúc năm 2021. Đây cũng là điều kiện để ông Thụy và Thaiholdings lên kế hoạch "bay vào vũ trụ" với việc thành lập CTCP Thaispace.

Tuy nhiên, những biến cố trên thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 cộng với việc việc phải hoàn trả hơn 840 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế liên quan đến vụ Tân Hoàng Minh đã nhấn chìm cổ phiếu THD chỉ sau chưa đầy 2 năm phất cờ. Mã này lao mạnh từ đầu năm 2022 về dưới 40.000 đồng (hồi giữa tháng 6) đã khiến giá trị tài sản của ông Thụy trên thị trường "bốc hơi" mạnh khiến vị Chủ tịch phải bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD - tương đương 25% vốn Thaiholdings và hụt thu khoảng 20.000 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu THD từ cuối năm 2020

Do góp tới 75% vốn - tương đương 20.016 tỷ đồng (vốn góp danh nghĩa) vào Thaispace nên việc tài sản bốc hơi mạnh đã khiến kế hoạch "bay vào vũ trụ" cùng Thaispace bị "chết yểu" qua đó trực tiếp dẫn đến sự rời đi của các cổ đông.

Cần nhấn mạnh rằng thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã báo lãi đậm ngoài hoạt động kinh doanh chính thông qua nhượng, bán, thoái vốn cổ phần tại các công ty liên quan qua đó giúp kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính trở nên "đồ sộ" hơn.

Nếu hoàn tất việc chuyển nhượng vốn tại Thaispace trong quý III/2022, kết quả kinh doanh của Thaiholdings có thể vẫn duy trì được sự khả quan song sau thương vụ, quý IV/2022 của THD có còn đột biến như cùng kỳ các năm trước?

Chỉ biết được rằng, sau khi hồi phục lên ngưỡng 50.000 đồng, thị giá THD đã đi ngang tại mức này trong hơn 2 tháng qua với thanh khoản "teo" lại còn chưa đầy 50.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chia sẻ với báo giới về thực trạng thành lập, tăng vốn của nhiều doanh nghiệp Việt trong thời gian qua, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhấn mạnh, Luật Doanh nghiệp quy định các bên có trách nhiệm góp đủ vốn điều lệ trong vòng 90 ngày, kể từ thời điểm thành lập công ty hoặc tăng vốn điều lệ. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết, để vốn ảo rất nhiều.

Tuy nhiên lâu nay, nhiều doanh nghiệp coi vốn điều lệ như tài sản riêng cá nhân, tự ý rút ra, sử dụng không đúng mục đích rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay, không đóng vốn điều lệ, sau đó kinh doanh thua lỗ và tuyên bố phá sản/giải thể/không trả được nợ.

"Bầu Thụy" hụt thu 20.000 tỷ đồng sau thoái vốn

Tân Hoàng Minh chi 1.050 tỷ đồng mua cổ phần Bình Minh Group

Thaiholdings (THD): Mỗi cổ đông nắm trung bình 38 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thaiholdings-thd-sap-het-cua-de-danh-cho-cac-bctc-nua-cuoi-nam-146964.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thaiholdings (THD) sắp hết "của để dành" cho các BCTC nửa cuối năm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH