Tham vọng hướng tới "nền kinh tế cơ hội" của bà Harris
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố một loạt đề xuất kinh tế mới, trong đó nhấn mạnh vào việc tạo ra một "nền kinh tế cơ hội" cho tầng lớp trung lưu.
Theo tạp chí Forbes, chương trình nghị sự của bà Harris  gồm nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề từ giá cả hàng hóa đến nhà ở, đồng thời chú trọng đến việc hỗ trợ các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là nam giới da đen.
Hướng tới doanh nghiệp nhỏ và nam giới da đen
Một trong những điểm nổi bật từ các sáng kiến trên là "Chương trình nghị sự cơ hội" dành cho nam giới da đen. Kế hoạch này gồm việc cung cấp các khoản vay lên tới 20.000 USD để xóa nợ cho các doanh nhân khởi nghiệp là người da đen, tạo khung pháp lý cho tiền điện tử, cũng như đầu tư vào giáo dục cùng các chương trình học nghề, nhằm tạo thêm cơ hội việc làm cho nam giới da đen. Bên cạnh đó, bà Harris cũng đề xuất mở rộng chương trình Xóa nợ cho Dịch vụ Công để thu hút thêm giáo viên nam là người da đen.
Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, Phó tổng thống Mỹ đề xuất tăng khoản khấu trừ thuế lên 50.000 USD cho các doanh nghiệp mới, gấp 10 lần mức hiện tại. Mục tiêu của bà là đạt 25 triệu đơn đăng ký doanh nghiệp nhỏ mới trong 2 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình nếu đắc cử.
Để giải quyết vấn đề giá cả hàng hóa, bà Harris đề xuất một lệnh cấm toàn quốc đối với việc "tăng giá" thực phẩm, đồng thời trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và các công tố viên truy tố những công ty bị cáo buộc tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, Phó tổng thống Mỹ cũng kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn những vụ sáp nhập giữa các công ty tạp hóa lớn và việc ấn định giá trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Về nhà ở, bà Harris đề xuất cung cấp 25.000 USD để hỗ trợ thanh toán trước cho người mua nhà lần đầu và kêu gọi xây dựng 3 triệu nhà ở mới trong vòng 4 năm. Bà cũng muốn mở rộng tín dụng thuế cho các nhà phát triển mảng xây dựng nhà ở giá rẻ và đầu tư 40 tỷ USD vào "quỹ đổi mới" để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Ngoài ra, Phó tổng thống Mỹ còn kêu gọi Quốc hội ngăn chặn các đối tượng bị cáo buộc đầu cơ nhà cho thuê và cấu kết với nhau để tăng giá thuê nhà.
Đối với vấn đề thuế, Phó Tổng thống Harris đề xuất mở rộng khoản tín dụng thuế thu nhập đối với người lao động thu nhập thấp, động thái được kỷ vọng sẽ cắt giảm tới 1.250 USD tiền thuế/người. Theo báo New York Times, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng cam kết không tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD/năm, đồng thời ủng hộ tăng thuế đối với người có thu nhập cao và các tập đoàn.
Một đề xuất đáng chú ý khác của bà Harris là việc xóa bỏ thuế đối với tiền boa cho nhân viên phục vụ và khách sạn, tương tự ý tưởng trước đó từ cựu Tổng thống Donald Trump – đối thủ của bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Tuy nhiên, một quan chức trong chiến dịch tranh cử của phó tổng thống Mỹ cho biết sẽ có giới hạn thu nhập và các biện pháp bảo hộ để ngăn chặn việc lạm dụng chính sách này.
Về chăm sóc sức khỏe, bà Harris đề xuất mức giá trần đối với insulin là 35 USD và giới hạn chi phí tự chi trả cho thuốc theo toa ở mức 2.000 USD/năm. Bà cũng muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán của Cơ quan dịch vụ bảo hiểm & trợ cấp y tế Mỹ (Medicare) về giá thuốc theo toa, và giải quyết các hành vi chống cạnh tranh trong ngành dược phẩm.
Phó tổng thống Mỹ cũng đề xuất mở rộng trợ cấp cho các chương trình Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, dự kiến giúp mỗi người dân Mỹ tiết kiệm trung bình 700 USD tiền phí bảo hiểm y tế. Bà còn có ý định hợp tác với các tiểu bang để xóa nợ y tế đối với người dân trong nước.
Dù chưa công bố đề xuất cụ thể về nghỉ phép có lương, nhưng theo thông tin từ báo Politico, bà Harris từng đồng tài trợ cho luật nghỉ phép có lương 12 tuần. Động thái này cho thấy khả năng bà vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách này nếu đắc cử tổng thống.
'Cùng giá trị, khác tầm nhìn'
Được đánh giá có nhiều điểm kế thừa nền tảng kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhưng chương trình nghị sự kinh tế của Phó tổng thống Kamala Harris vẫn có một số điều chỉnh nhằm chú trọng các mục tiêu được bà cho là quan trọng, điều được một trợ lý của bà Harris mô tả là "Cùng giá trị nhưng khác tầm nhìn".
Bên cạnh đó, các kế hoạch ban đầu từ chiến dịch của phó tổng thống Mỹ còn cho thấy bà sẽ quyết liệt hơn trong các cách tiếp cận chính sách của mình, nhất là trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy cử tri có quan điểm không mấy tích cực về cách Tổng thống Biden xử lý các vấn đề kinh tế.
Dù có nhiều điểm mâu thuẫn với chương nghị sự kinh tế của cựu Tổng thống Trump, nhất là việc tập trung tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, bà Harris vẫn có tiếng nói chung với đối thủ của mình trên một số lĩnh vực. Chúng bao gồm việc cắt giảm thuế và một số quy định nhằm giảm lạm phát, khuyến khích tăng sản lượng dầu để hạ giá năng lượng, và đặc biệt là đề xuất "không đánh thuế tiền boa".
Tuy nhiên, theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm, kế hoạch kinh tế của Phó tổng thống Harris có thể làm thâm hụt liên bang tăng thêm 3,5 nghìn tỷ USD từ giờ đến năm 2035. Con số này vẫn thấp hơn mức tăng 7,5 nghìn tỷ USD theo kế hoạch của cựu Tổng thống Trump.
Nhìn chung, chương trình nghị sự kinh tế của Phó Tổng thống Kamala Harris đề ra một tầm nhìn toàn diện nhằm giải quyết nhiều thách thức kinh tế mà người dân Mỹ đang đối mặt. Từ việc hỗ trợ các cộng đồng thiểu số và doanh nghiệp nhỏ đến giải quyết vấn đề giá cả hàng hóa, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch của bà Harris nhằm mục đích tạo ra một nền kinh tế công bằng và cơ hội hơn cho tất cả người dân Mỹ.
>>Chuyên gia: Chính sách thuế của ông Trump có nguy cơ khiến Mỹ nợ nhiều gấp đôi so với bà Harris
Phó Tổng thống Harris phản bác tuyên bố 'thù trong' của ông Trump 
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris uống bia trên sóng truyền hình