‘Thần đồng phương Đông’ 13 tuổi đỗ đại học, 17 tuổi học thạc sĩ nhưng gặp bi kịch do thói quen thường xuyên đút cho con ăn của người mẹ
Khi mới 2 tuổi, ‘thần đồng’ này đã thành thạo 1000 ký tự tiếng Trung, một thành tích khiến nhiều người phải trầm trồ.
2 tuổi biết đọc, 17 tuổi học Thạc sĩ
Ngụy Vĩnh Khang (1983), sinh ra tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc . Ngay từ nhỏ, Vĩnh Khang được mệnh danh là "thần đồng" và bộc lộ nhiều tư chất hơn người.
Khi mới 2 tuổi, Vĩnh Khang đã thành thạo 1000 ký tự tiếng Trung, một thành tích khiến nhiều người phải trầm trồ. Ở tuổi 4, cậu bé đã hoàn tất chương trình cấp 2, và vào năm 8 tuổi, Vĩnh Khang đã được nhận vào trường cấp 3 danh tiếng của tỉnh Hồ Nam. Không dừng lại ở đó, ở tuổi 13, Vĩnh Khang đã trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất tại khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm. Đến tuổi 17, anh tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp thuộc Viện Khoa học Hàn lâm  Trung Quốc.
Những năm tháng đầu đời của Vĩnh Khang được nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc ngưỡng mộ, với hy vọng con em mình có thể noi gương và học tập chăm chỉ như anh. Ở nhà, các bức tường của Vĩnh Khang luôn đầy ắp công thức toán học, từ vựng tiếng Anh, giúp anh có thể học hỏi bất kỳ lúc nào. Mẹ của Vĩnh Khang, bà Tăng Học Mai, từng chia sẻ: "Con trai phải tập trung học hành thì mới có tương lai".
Khi con trai còn nhỏ, mẹ Vĩnh Khang luôn quan niệm: "Chỉ có chuyên tâm đọc sách, con mới có tiền đồ sau này". Đáng tiếc, bà chỉ mải dạy con phát triển trí tuệ mà quên đi nhiều kỹ sống cần thiết khác.
Khi Vĩnh Khang 8 tuổi, bà nghỉ việc rồi thuê hẳn một căn nhà nhỏ gần trường để tiện bề chăm sóc con. Người mẹ này không cho con trai động chân động tay vào bất kỳ việc gì ngoài học. Sáng sớm, Vĩnh Khang được chuẩn bị sẵn kem đánh răng, bê nước rửa mặt đến tận giường. Lên cấp 3, anh vẫn được đích thân mẹ đút cho ăn hàng ngày.
Có thể nói, từ nhỏ đến lớn cuộc sống của Vĩnh Khang đều có bàn tay mẹ bao bọc. Tất cả những điều bà làm đều là vì muốn con trai chuyên tâm cho sự nghiệp học hành. Thế nhưng, bà Tăng Ngọc Mai không biết rằng, chính cách dạy con đã hình thành ở Vĩnh Khang thói quen dựa dẫm vào người khác.
Với hàng loạt giải thưởng và thành tựu, Vĩnh Khang đã trở thành hình mẫu của nhiều thế hệ học sinh. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành công, Vĩnh Khang đã phải đối mặt với những thử thách và cái kết không như mong đợi.
Chuỗi ngày dài bi kịch
Khi Vĩnh Khang theo học chương trình Thạc sĩ tại Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc, nhà trường yêu cầu anh phải sống và học tập một mình. Tuy nhiên, thói quen được mẹ chăm sóc từ trước đã khiến anh gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân.
Vĩnh Khang không biết cách điều chỉnh trang phục phù hợp với thời tiết. Vào mùa đông, anh thường đi bộ trên con đường phủ đầy tuyết với bộ quần áo mỏng manh và dép lê, phòng ốc của anh cũng luôn bừa bộn vì không biết dọn dẹp. Thậm chí, anh còn nhận điểm 0 vì quên nộp luận án tốt nghiệp, do không có ai nhắc nhở, và mất cơ hội học lên Tiến sĩ.
Năm 20 tuổi, Vĩnh Khang bị đuổi ra khỏi trường, với lý do không thể tự mình chăm sóc bản thân khi học tập tại đây. Cú sốc này này khiến anh rơi vào trạng thái trầm cảm và phải lang thang khắp 16 tỉnh thành Trung Quốc, không còn dũng khí để trở về nhà. Trong túi anh khi ấy chỉ vỏn vẹn có 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng). Khi số tiền đã hết, Vĩnh Khang đành nhờ cảnh sát đưa mình về nhà. Hơn 1 tháng lang bạt tuy khổ cực nhưng cũng đã dạy cho anh ít nhiều về cuộc sống tự lập.
Nhận thấy phương pháp giáo dục của mình có vấn đề, mẹ của Vĩnh Khang đã bắt đầu thay đổi cách dạy con, hướng dẫn anh những kỹ năng cơ bản như tắm rửa, nấu cơm và dọn dẹp. Sau một thời gian cải thiện kỹ năng sống, Vĩnh Khang đã thử việc ở nhiều nơi nhưng không thành công. Năm 2005, anh được một viện nghiên cứu hàng không vũ trụ ở Thượng Hải mời làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, anh lại bị cho nghỉ việc vì lý do "không phù hợp."
Sau một thời gian dài vật lộn với cảnh thất nghiệp, Vĩnh Khang cuối cùng đã tìm được công việc ổn định tại một công ty phần mềm. Anh kết hôn và trở thành cha của một bé gái xinh xắn. Dù bận rộn với cuộc sống gia đình và công việc, Vĩnh Khang vẫn không quên ước mơ của mình: quay lại trường học. Đọc sách luôn là niềm đam mê lớn nhất của anh. Tuy nhiên, vào năm 38 tuổi, Vĩnh Khang đã đột ngột qua đời vì một cơn bạo bệnh, để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình và bạn bè.
Trường hợp của Vĩnh Khang là minh chứng để nhắc nhở phụ huynh trong cách giáo dục con cái. Không thể phủ nhận rằng khi đứa trẻ còn nhỏ, việc chăm chỉ học tập rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh học hành, đứa trẻ cần được tạo môi trường vui trường, dạy dỗ các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là tính tự lập.