Thành cổ xây dựng dưới thời chúa Nguyễn được chi gần 167 tỷ đồng để trùng tu
Việc trùng tu thành cổ này sẽ cần phải giải tỏa gần 20ha đất.
Ngày 13/6, Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư) thông báo rằng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia thành cổ Diên Khánh, thuộc huyện Diên Khánh sẽ được tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 167 tỷ đồng. Để thực hiện dự án  này, cơ quan chức năng cần giải tỏa tổng diện tích hơn 19,4ha, bao gồm 5,5ha đất thành cổ, 3,9ha đất cơ quan đoàn thể và 10ha đất của các hộ dân đang sử dụng.
Từ thông báo đó, mới đây Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản đến Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa để thỏa thuận về việc thiết kế bản vẽ cho công tác tu bổ và tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh.
>> Một phân khúc bất động sản giảm giá đến 50% vẫn vắng bóng người mua 
Theo văn bản, Cục đồng ý thỏa thuận về thiết kế bản vẽ thi công để trùng tu di tích thành cổ, bao gồm 12 hạng mục tôn tạo. Các hạng mục đáng chú ý bao gồm: hoàn thiện phần còn lại của tuyến thành đất; xây dựng bãi đỗ xe và hai khu vệ sinh công cộng; nạo vét bùn đất, vệ sinh lòng hào cùng mái hào, chống thấm thành hào và đáy hào; xây dựng cầu bắc qua hào nước và hệ thống thu gom nước thải, hệ thống điện chiếu sáng khu vực phía trong thành;....
Bên cạnh đó, văn bản cũng lưu ý việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ưu tiên phương pháp thủ công, nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành.
Ngoài ra, các gò đất tại tiểu công viên thuộc thành cổ sẽ được tôn tạo sao cho vị trí trồng cỏ trên mái gò không làm phẳng dốc mà sẽ tạo thành các cung tròn hoàn chỉnh. Điều này giúp tránh gây tranh cãi về cấu trúc góc thành hiện tại, thay vào đó tạo ra các mái dốc để tôn trọng tối đa hiện trạng.
Cục Di sản Văn hóa cũng nhấn mạnh rằng, quá trình thi công  dự án phải có sự giám sát chặt chẽ từ các cán bộ chuyên môn khảo cổ. Đồng thời, các cơ quan liên quan tại địa phương phải chịu trách nhiệm về phương án đền bù và giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Thành có diện tích 3,5ha, với chiều dài thành lên đến 2.600m và chiều cao 3,5m. Nơi đây đóng vai trò là trung tâm chính trị và hành chính của tỉnh Khánh Hòa từ năm 1802-1945. Năm 1988, thành cổ này được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
>> Việt Nam sẽ xây dựng hầm xuyên qua sân bay tại 'thành phố đáng sống bậc nhất thế giới'