Dịch tả heo châu Phi ở tỉnh Thanh Hóa đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn và mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo trở lại bình thường theo quy định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, các ổ dịch tả heo châu Phi cuối cùng tại các phường Ninh Hải, Hải Hòa và xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Dịch tả heo châu Phi đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn và mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo trên địa bàn tỉnh trở lại bình thường theo quy định.
Ngày 20/9/2021, dịch bắt đầu xuất hiện với 2 ổ dịch tại xã Thiệu Thịnh và Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa).
Đến ngày 8/1, dịch bệnh xảy ra tại 644 hộ của 226 thôn, 71 xã thuộc 12 huyện, thị xã gồm: Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh, Quan Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thạch Thành, Như Xuân, Nghi Sơn và Bỉm Sơn, buộc phải tiêu hủy 4.156 con heo.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân công lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản để phát hiện sớm, xử lý và khống chế các ổ dịch.
Đồng thời, thành lập tổ công tác điều tra tổng đàn; ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương không bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh ra môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo chết, mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh; tăng cường tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm với 41.746 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng, 1.805 lít hóa chất diệt côn trùng và 38,7 tấn vôi bột.
Ngoài ra, tỉnh thành lập 6 chốt kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo ra vào vùng dịch; kiểm soát vận chuyển heo ra vào địa bàn tỉnh tại 3 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ở thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và huyện Thạch Thành để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các doanh nghiệp, người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và biện pháp phòng, chống; chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, dịch bệnh tả heo châu Phi được khống chế trước Tết Nguyên đán là nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương.
Nhờ đó, việc mua bán, vận chuyển, kinh doanh thịt heo sẽ đáp ứng được nhu cầu mua thực phẩm tăng cao của người dân trong dịp Tết.
Để phòng, chống bệnh động vật trước Tết Nguyên đán 2022 đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức, thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; trong đó, chú trọng bệnh viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng…
Hiện nay, Sở NN&PTNT đã phân bổ 10.000 lít hóa chất sát trùng Iodine do Trung ương hỗ trợ cho 413 xã, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã có dịch và có nguy cơ cao nhiễm dịch để phòng, chống bệnh động vật trước Tết Nguyên đán 2022.
Giá heo hơi hôm nay 8/1: tăng 1.000 đồng/kg tại một số địa phương 
Giá heo hơi hôm nay 7/1: Hà Nội tiếp tục thu mua heo hơi tại mức 69.000 đồng/kg