Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ được tách thành 2 đặc khu
Theo đề án vừa được Chính phủ phê duyệt, các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp xã mới, mang tên gọi là đặc khu.
Chính phủ đang định hướng nghiên cứu thành lập hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu, trên cơ sở địa bàn thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện nay.
Nội dung này được nêu rõ trong Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt.

Trên cơ sở các kết luận số 127, 130, 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 60 Hội nghị Trung ương 11, Chính phủ đã tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện để xây dựng nguyên tắc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Theo định hướng, việc sắp xếp sẽ bỏ cấp trung gian là cấp huyện, hình thành hệ thống đơn vị hành chính cấp xã mới gồm ba loại hình: xã, phường và đặc khu. Các mô hình cũ như thị xã, huyện, quận, thị trấn, thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn tồn tại.
Sau sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, quản lý sát địa bàn và phục vụ tốt nhất cho người dân. Trường hợp sáp nhập phường với đơn vị hành chính cùng cấp, đơn vị mới vẫn mang tên phường; nếu là xã và thị trấn, sau sáp nhập sẽ gọi là xã.
Đặc biệt, đề án đề xuất chuyển các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã mới với tên gọi là đặc khu.
Đề án nêu rõ: "Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 1 huyện đảo, (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo). Riêng đối với thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng, theo đó nghiên cứu thành lập 2 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu".
Trong trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa giới hành chính cấp huyện, sẽ không cần đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn hay thực hiện quy trình điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện nơi đơn vị cấp xã đó trực thuộc.
Bên cạnh đó, đề án không áp dụng bắt buộc đối với các đơn vị hành chính cấp xã có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông với khu vực xung quanh, hoặc nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Sau khi sắp xếp, số lượng xã, phường trên toàn quốc dự kiến giảm còn khoảng 60–70% so với hiện tại. Quá trình tổ chức lại cần bảo đảm sự cân đối, tránh tạo ra sự chênh lệch quá lớn về diện tích tự nhiên và dân số giữa các đơn vị hành chính mới.
>> Thay đổi lớn trong Đảng bộ xã, phường sau sáp nhập, tỉnh ủy viên có thể làm Bí thư Đảng ủy xã