Dự án đốt rác thành điện với số vốn 10.800 tỷ đồng vừa được tham vấn cộng đồng về báo cáo tác động môi trường.
Báo Dân trí đưa tin, Bộ TN&MT vừa công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác  phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. HCM).
Báo cáo ĐTM do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) chủ trì, hợp tác với đơn vị tư vấn là Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) thực hiện.
Mỗi ngày, TP. HCM phát sinh 10.000 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển về khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc và khu xử lý rác Đa Phước. Theo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo đến năm 2025 lượng rác sinh hoạt sẽ tăng đến 13.000 tấn/ngày. Và khối lượng này có thể lên đến 16.600 tấn/ngày vào năm 2030.
Bãi rác Đa Phước áp dụng công nghệ chôn lấp rác thải. Ảnh: Q.K
Hiện tại, khu xử lý rác Đa Phước tiếp nhận phần lớn rác thải sinh hoạt của TP để xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Nhưng công nghệ này gần đây đã bộc lộ điểm yếu là khó xử lý triệt để mùi hôi. Đến cuối năm 2024, bãi rác Đa Phước  cũng không còn chỗ để chôn rác nữa.
Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, yêu cầu tỉ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và 10% năm 2030. TP. HCM đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 20% vào năm 2025 (hiện nay trên 70%).Trong đó, 80% lượng rác phát sinh sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến đốt rác phát điện và tái chế, hướng tới năm 2030 có 100% lượng rác được xử lý hoàn toàn theo công nghệ này, không phải chôn lấp.
Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin UBND TP. HCM xem xét, triển khai lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện công nghệ đốt rác phát điện theo phương thức PPP tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, diện tích dự án khoảng 9ha.
Công ty VWS dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày nằm ở phía Tây Nam của khu liên hợp. Dự án sẽ bao gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có một tổ hợp (mỗi tổ hợp 2 lò đốt, công suất thiết kế 750 tấn/ngày/lò).
Với công suất thiết kế dự kiến, chủ đầu tư ước tính dự án sẽ sản xuất được 46,06MW (sau khi khấu trừ điện tiêu thụ cho vận hành nội bộ và tổn thất) được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính 420 triệu USD, tương đương 10.080 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 30%, vốn vay ngân hàng chiếm 70%.
Dự án đốt rác phát điện nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước đã được quy hoạch chức năng. Khu vực này thuộc phía Nam nội thành TP. HCM, trên trục Quốc lộ 50 đi Cần Giuộc, tỉnh Long An và nằm tách biệt với khu dân cư tập trung xung quanh. Trong vòng bán kính 1-3km từ khu vực dự án nhà máy đốt rác phát điện là khu vực tập trung đông dân cư.
Tại báo cáo ĐTM vừa công khai, chủ đầu tư cho rằng quá trình phân hủy nhiệt (đốt) chất thải rắn sinh hoạt sẽ phát sinh một số chất ô nhiễm, phổ biến là bụi mịn, các hợp chất mang tính ăn mòn (HCI, SO2, NOx) có tiềm năng gây mưa acid (biến đổi khí hậu), các kim loại nặng dễ bay hơi và các hợp chất thuộc nhóm dioxin/furans có khả năng tích lũy cao trong cơ thể con người và sinh vật.
Toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ hoạt động của nhà máy đốt rác phát điện được thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải với công nghệ MBR có tổng công suất thiết kế 400m3/ngày đêm. Một phần nước thải sau khi xử lý sẽ được tái tuần hoàn trong vận hành dự án, phần còn lại sẽ xả thải ra nguồn tiếp nhận.
Địa phương đông dân nhất Việt Nam hiện nay là TP. HCM với 9,17 triệu người, chiếm 9,3% dân số cả nước.
Lượng rác thải sinh hoạt tại thành phố có chiều hướng tăng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ước thực hiện từ ngày 1 đến 29/2 là 318.000 tấn, trung bình là hơn 10.965 tấn/ngày, tăng 48.700 tấn so với cùng kỳ năm 2023.