Thành phố cần phải tìm ra giải pháp trong thời gian từ bây giờ đến năm 2050, nếu không, sẽ bị nhấn chìm trong biển nước.
Jakarta (Indonesia ) là thành phố lớn thứ hai trên thế giới. Trong hơn 30 năm qua, mực nước biển xung quanh Jakarta đã tăng lên đến 3m (bao gồm cả nước biển dâng và sự sụt lún ) khiến nó trở thành đô thị đang chìm nhanh nhất trên thế giới.
Với nguồn nước mặt phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta mua phần lớn nước thô từ bên ngoài thành phố. Lượng nước này được xử lý, sau đó được phân phối qua mạng lưới đường ống, một số trong đó đã hơn 100 năm tuổi. Nhưng chúng bị rò rỉ - khoảng 40% lượng nước bị mất trên đường đi và phần lớn lượng nước còn lại bị tái ô nhiễm khi chảy qua hệ thống.
Hầu hết các ngôi nhà trong thành phố không được kết nối với hệ thống cấp nước, buộc người dân phải phụ thuộc vào nước từ giếng. Tính đến thời điểm hiện tại, cứ ba người dân Jakarta thì có một người không được tiếp cận với nước máy, thay vào đó phải dựa vào hàng nghìn giếng bất hợp pháp nằm rải rác trong thành phố. Việc khai thác nước ngầm một cách không kiểm soát là nguyên nhân chính gây ra sự sụt lún đất đai.
Ở một số nơi của thủ đô, vách chắn biển là tất cả những gì giúp các đường phố và nhà cửa chống chọi với rủi ro bị nước biển dâng lên. Các chuyên gia dự đoán rằng 1/3 thành phố có thể bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu không được kiểm soát từ bây giờ.
Được biết, để làm chậm quá trình chìm cho Jakarta, bên cạnh xây tường chắn biển, Indonesia đã hạn chế khai thác nước ngầm cũng như thúc đẩy xây dựng thủ đô mới Nusantara trị giá 34 tỷ USD trong rừng rậm Borneo.