Thế giới năm 2024: Những điểm sáng giữa muôn vàn sóng gió
Thế giới năm qua đã chứng kiến sự leo thang đáng kinh ngạc về mức độ các cuộc xung đột. Xáo trộn chính trị tại một loạt quốc gia đang tác động sâu sắc đến các trục quan hệ và cục diện địa chính trị. Nhưng giữa các mảng màu tối, lo âu về tương lai phía trước thì vẫn có những điểm sáng, những kỳ vọng ổn định.
Theo Trung tâm Dữ liệu sự kiện và Vị trí xung đột vũ trang (ACLED), mức độ xung đột trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Cụ thể, trong năm 2024, số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột tăng 30% so với năm trước, từ 179.099 người lên 233.597.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine  tiếp tục kéo dài năm thứ 3 với nhiều diễn biến giằng co, dai dẳng. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine giờ đây đang đứng trước triển vọng có thể kết thúc vào năm 2025.
Sau khi ông Donald Trump - người từng tuyên bố có thể giúp chấm dứt chiến sự tại Ukraine trong 24 giờ nếu tái đắc cử - chiến thắng trong bầu cử Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có lập trường mềm mỏng hơn khi tuyên bố để ngỏ thỏa thuận ngừng bắn.
Còn phía Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết Slovakia - nước thành viên Liên minh châu Âu có biên giới chung với Ukraine - có thể là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với Kiev.
Trong khi đó, Trung Đông tiếp tục chứng kiến một năm nóng rực với các mâu thuẫn và xung đột đan xen giữa nhiều quốc gia, nhiều lực lượng: Cuộc xung đột kéo dài chưa có hồi kết tại Gaza, sự đối đầu gia tăng giữa Israel và Iran, chính biến tại Syria.
Sau cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, Israel đẩy mạnh làn sóng tấn công nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Tel Aviv cũng công khai đối đầu "Trục kháng chiến" gồm một loạt nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, ngoài Hamas còn có lực lượng Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen và các nhóm vũ trang ở Syria.
Xung đột ở Syria bất ngờ trở lại, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Dù lực lượng đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát, giới quan sát vẫn lo ngại Syria lại là điểm nóng mới ở khu vực vốn đã chao đảo vì các cuộc đụng độ, đối đầu.
Hơn lúc nào hết, khu vực Trung Đông rất cần một thỏa thuận đình chiến để khôi phục hòa bình sau hơn một năm chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội. Thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Liban đã tạm thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu nhất giữa hai bên trong nhiều thập niên, đồng thời mang lại hy vọng một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ở Dải Gaza.
Trong khi đó, với châu Âu, các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 đã chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng chủ nghĩa dân tộc và cực hữu tại Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp và Italy. Tại Áo, đảng cực hữu Tự do giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử quốc hội. Tại Pháp, một liên minh đã ngăn chặn đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc kiểm soát quyền lực trong cuộc bầu cử quốc hội sớm nhưng việc không có đảng nào giành thế đa số đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị.
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) lần đầu tiên giành chiến thắng tại trong một cuộc bầu cử cấp vùng và đạt kết quả cao lịch sử tại 2 vùng khác. Tại Anh và Bắc Ireland, nhiều cuộc bạo loạn chống nhập cư do những người cực hữu kích động xảy ra tại hàng chục thị trấn.
Châu Á cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn chính trị. Trong đó, chính trường Hàn Quốc xáo trộn khi cả Tổng thống, quyền Tổng thống đối mặt phiên luận tội vì trách nhiệm liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Căng thẳng lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên với những động thái chạy đua quân sự, đẩy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên xuống mức thấp...
Trước khi bước vào năm 2024, nhiều nhà phân tích đã lựa chọn từ khóa "biến động khó lường" để dự báo về chính trường thế giới. Bởi đây là "năm siêu bầu cử" với hơn 2 tỷ cử tri tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đi bỏ phiếu trong khoảng 60 cuộc bầu cử, lựa ra người đứng đầu và các chính đảng lãnh đạo đất nước. Kết quả của hàng loạt cuộc bầu cử được cho là tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt với nhiều quốc gia và cả trật tự quốc tế.
Nổi bật trong số đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với tương lai của Xứ Cờ hoa, mà còn với phần còn lại của thế giới. Sức nóng của cuộc bầu cử tại Mỹ xuyên suốt cả năm. Thậm chí, nhiều nước còn đưa cả kết quả bầu cử của Mỹ vào nội dung hoạch định chính sách quốc gia. Ông Donald Trump trở lại "ghế nóng" tại Nhà trắng sau chiến thắng được đánh giá là thuyết phục, vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình tranh cử với những lần bị ám sát hụt.
Những nội dung phát biểu khi tranh cử, cũng như những tuyên bố sau khi đắc cử cho thấy ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chủ trương "Nước Mỹ trước hết". Về thương mại, chính quyền Mỹ sắp tới được dự đoán sẽ áp dụng chính sách mang tính bảo hộ cao - vốn được cho là có thể mang lại lợi ích cho Xứ Cờ hoa trong ngắn hạn, nhưng gây tổn hại các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ, có thể khơi lại tranh cãi, thậm chí xung đột thương mại với các đối tác.
Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều chỉnh cách tiếp cận về các điểm nóng, như các cuộc xung đột tại Ukraine, khu vực Trung Ðông…, theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Washington và thúc đẩy vai trò các đồng minh của Mỹ.
Bên cạnh nhân tai, thiên tai gây ra nhiều thiệt hại. Năm 2024, nhiệt độ tại nhiều nơi trên thế giới tiếp tục tăng cao và đây được dự báo sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử. Sự nóng lên toàn cầu đã gây ra những đợt sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt chết người.
Tại Tây và Trung Phi, mùa mưa lớn bất thường khiến hơn 1.500 người thiệt mạng, theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế.
Tháng 9, các đợt thiên tai liên tục xảy ra với bão Helene tại Mỹ, bão Krathon tại Đài Loan (Trung Quốc), bão Boris tại Trung Âu, bão Yagi và Bebinca tại châu Á. Tháng 10, mưa lớn gây ra trận lũ lịch sử tại Tây Ban Nha khiến hơn 230 người thiệt mạng. Tháng 12, bão Chido tàn phá vùng lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp tại Ấn Độ Dương.
Năm nay chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng cùng nhiều xung đột và biến động, nhưng cũng ghi dấu ấn với một số điểm sáng về kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường.
Năm 2024 ghi nhận hàng loạt biến động, từ Mỹ, châu Âu giảm lãi suất sau nhiều năm đến Đức vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng tích cực. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay ước đạt 3,2%, nhỉnh hơn so với mức 3,1% vào năm ngoái.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, BRICS chính thức chào đón thêm các thành viên mới là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng đang ngỏ ý tham gia BRICS, qua đó thể hiện tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của khối này trên trường quốc tế.
Diễn ra vào ngày 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan với sự tham gia của gần 200 quốc gia và 90 nhà lãnh đạo thế giới, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) với chủ đề "Đoàn kết vì một thế giới xanh" đã đạt được những kết quả mang tính đột phá.
Thành tựu lớn đầu tiên của COP29 là đã đạt được thỏa thuận về tài chính khí hậu có tên gọi "Mục tiêu Định lượng tập thể mới". Theo đó, các quốc gia phát triển đã cam kết tăng gấp 3 nguồn tài chính cho các nước đang phát triển, từ 100 tỷ USD mỗi năm trước đây lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035.
Một thành tựu nổi bật khác tại COP29 chính là việc tháo nút thắt cho một thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, giúp thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon.
Việc đạt được sự đồng thuận về thị trường carbon toàn cầu giúp các bên tháo gỡ điểm nghẽn trong nhiều năm và hoàn thiện các mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Paris.
COP29 khép lại với nhiều đồng thuận đạt được, mang đến những hy vọng mới cho thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một tin vui trong năm 2024 là ngày 21/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bằng hình thức đồng thuận một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong lịch sử thể thao khi Thế vận hội (Olympic) mùa Hè quay trở lại thủ đô Paris của Pháp sau đúng một thế kỷ. Buổi khai mạc rực rỡ được tổ chức dọc sông Seine, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Olympic buổi lễ khai mạc diễn ra bên ngoài sân vận động. Trong suốt 3 tuần tranh tài, nhiều kỷ lục bị phá vỡ và các ngôi sao đăng quang tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới diễn ra 4 năm một lần.
Kỳ vọng vào thế giới tươi đẹp hơn
Sau những biến động, rối ren của năm 2024, Giáo hoàng Francis ngày 28/12 kỳ vọng thế giới trong năm mới sẽ "hòa bình, tràn đầy tình hữu nghị và lòng biết ơn", kêu gọi mọi người không từ bỏ niềm hy vọng và sự tử tế.
"Chiến tranh, bất bình đẳng xã hội và nhiều hình thức bạo lực khác mà chúng ta đã chứng kiến mỗi ngày qua sẽ không khiến chúng ta nản lòng hay bi quan", Giáo hoàng nói. "Dù không biết ngày mai sẽ ra sao, chúng ta đừng bao giờ nhìn vào tương lai với sự chán nản và thoái chí. Thế giới tràn đầy niềm hy vọng và sự tử tế sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn".
>> Sự kiện và xu hướng lớn sẽ định hình thế giới năm 2025 
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ tiến lên trong năm 2025 
Tổng thống Nga Putin xin lỗi Azerbaijan vì vụ rơi máy bay ở Kazakhstan