Thị giá Vietnam Airlines (HVN) chia đôi sau một tháng, cổ đông Nhà nước hụt 31.000 tỷ đồng tài sản
Trong ngày cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) giảm sàn, nhiều lệnh giao dịch lên tới 11 tỷ đồng đã được ghi nhận.
Kết phiên giao dịch ngày 8/8, thị trường chứng khoán giảm 7,6 điểm, rơi về dưới mốc 1.210. Áp lực bán chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, trong đó chỉ số VN30 giảm 10,3 điểm với 19 mã giảm giá.
Ngoài rổ VN30, cổ phiếu HVN  của Vietnam Airlines đóng cửa giảm sàn về dưới 20.000 đồng/cp, mức thấp nhất trong 3 tháng.
Trong tổng số 6,9 triệu cổ phiếu được giao dịch, 51% được bán ra chủ động, trong khi tỷ trọng của phe mua vào chỉ là 30%. Thống kê giao dịch cho thấy, HVN ghi nhận 4 lệnh giao dịch lớn, với tổng khối lượng 2,24 triệu cổ phiếu (trung bình 560.000 đơn vị/lệnh) và giá trị vượt 11 tỷ đồng mỗi lệnh.
Trước nhịp điều chỉnh, cổ phiếu HVN từng có pha tăng hơn 170% chỉ trong 3 tháng |
Chỉ sau một tháng điều chỉnh từ mức cao nhất 6 năm (36.350 đồng/cp), giá cổ phiếu HVN đã giảm gần 45%, làm vốn hóa giảm từ ngưỡng 80.000 tỷ đồng xuống còn gần 44.200 tỷ.
Tính đến cuối tháng 6/2024, trong cơ cấu cổ đông Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước lần lượt nắm giữ 55,2% và 31,1% vốn, tổng cộng hơn 1,9 tỷ cổ phiếu. Sự giảm giá mạnh của HVN đã khiến khối tài sản theo vốn hóa của cổ đông Nhà nước tại hãng bay quốc gia giảm hơn 31.000 tỷ đồng.
>> Vietnam Airlines (HVN) quyết định tăng lương 6% cho toàn bộ nhân viên 
Gần đây, Vietnam Airlines đã ghi nhận những tín hiệu kinh doanh tích cực nhờ nỗ lực khôi phục hoạt động sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Hãng đã thực hiện các biện pháp như tái cấu trúc, điều chỉnh đội bay và tối ưu hóa chi phí để thích ứng với điều kiện thị trường mới. Lượng hành khách, đặc biệt là khách bay quốc tế, đã tăng trở lại khi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Các thỏa thuận hợp tác quan trọng với một số hãng bay quốc tế cũng góp phần giúp Vietnam Airlines đạt doanh thu 53.126 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5.476 tỷ đồng, so với khoản lỗ hơn 1.386 tỷ trong bán niên 2023.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn đối mặt với tình trạng lỗ kiểm toán trong 4 năm gần nhất (giai đoạn 2020-2023). Tính đến cuối tháng 6/2024, công ty đang lỗ lũy kế hơn 35.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 11.500 tỷ đồng.
Thực tế, nếu xét theo quy định thông thường, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE kể từ nửa đầu năm 2023 (do lỗ 3 năm trước đó).
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines - đã khẳng định, tình trạng âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế ba năm liên tiếp và nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu là rất đặc biệt. Ông Hiền cho biết: "Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế có yếu tố khách quan là đại dịch COVID-19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu và ngành hàng không. Tôi tin tưởng rằng cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đánh giá các yếu tố này một cách khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn duy trì trên sàn chứng khoán".
Liên quan đến vấn đề này, tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Theo dự thảo sửa đổi, Điều 120 trong Nghị định đã được bổ sung thêm Khoản 7, quy định rằng "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định."
Điều khoản này có thể giúp cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục duy trì sự hiện diện trên sàn HoSE dù trong điều kiện hạn chế giao dịch.
Một doanh nghiệp báo lãi đậm nhờ bán trà sữa trên máy bay cho Vietnam Airlines 
Đội tàu của Vietnam Airlines (HVN) đón thêm 'siêu máy bay' Boeing 787-10