Theo nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng động thái hạ nhiệt lãi suất của NHNN đã giúp thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu khởi sắc.
Dựa trên báo cáo của DKRA Group cho thấy, tại TP.HCM trong tháng 5 vừa qua, thị trường   căn hộ đã có nhiều cải thiện về nguồn cung mới, hiện có khoảng gần 2.900 căn hộ đang được rao bán. Lượng giao dịch “cắt lỗ” thuộc phân khúc thứ cấp giảm mạnh nhưng mức thanh khoản lại sụt giảm đến 98% so với cùng kỳ và tỷ lệ tiêu thụ đạt 35% nguồn cung mới.
Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư đã chủ động hỗ trợ khách mua nhà thông qua lãi vay và kéo dài thời hạn cho vay. Đồng thời, doanh nghiệp còn đưa ra các ưu đãi chiết khấu với mức giá “khủng” dành cho đối tượng khách hàng thanh toán nhanh hoặc giãn thời hạn thanh toán nhằm kích cầu thị trường.
Đánh giá thị trường trong năm nay, nhiều chuyên gia cho biết có nhiều cơ hội để phục hồi cho thị trường, đặc biệt là các chính sách trọng điểm được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới thị trường sẽ dần có dấu hiệu phục hồi nhưng với tốc độ chậm, chưa có sự đột phá cho đến cuối năm.
Đánh giá về thị trường hiện nay, bà Võ Thị Khánh Trang – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường (Công ty Bất động sản Savills Việt Nam) chia sẻ, một trong những tín hiệu tích cực của thị trường TP.HCM là việc Chính phủ đã đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản trên cả nước từ năm ngoái cho đến Q1 năm nay. Từ đó, ngành BĐS tại TP.HCM đã có thêm phương án để vượt khó trong thời điểm hiện nay.
Một số dự án bất động sản của các “ông lớn” tại thành phố, có thể kể đến như CapitaLand, Novaland, Gamuda Land, Hưng Thịnh… vừa qua đã tháo gỡ được những vướng mắc mặt pháp lý, cho phép huy động vốn đến 50% lượng nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng lập kế hoạch triển khai các phương án gỡ khó và thúc đẩy quá trình cấp giấy chứng nhận sổ hồng cho 81.085 căn trên địa bàn thuộc các dự án của doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh…
Việc tháo gỡ được những vướng mắc thủ tục pháp lý và kêu gọi huy động vốn sẽ giúp các chủ đầu tư khởi động lại hàng loạt dự án sau thời gian dài đình trệ bởi thủ tục phức tạp. Đồng thời, khách mua cũng có xu hướng tìm kiếm lại các sản phẩm nhà ở, đất nền dự án của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn cuối Q2, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay cùng với việc tiến hành triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng cá nhân và doanh nghiệp. Đây được coi là động lực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cho thị trường, giúp khách mua nhà có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp.
Ngoài ra, việc hạ nhiệt lãi suất cũng tác động mạnh đến thị trường bất động sản, cho thấy rằng nhiều chủ đầu tư đang bắt đầu khởi động lại kế hoạch xây dựng và kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong Q3 năm nay, các chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được nới lỏng, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhằm giảm bớt gánh nặng trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều dự án đầu tư được khởi động, đóng vai trò “đòn bẩy” cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng.
Ngoài ra, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các Ngân hàng thương mại chủ động thực hiện giãn thời hạn các khoản vay tín dụng đến chưa trả nợ được do tác động khách quan của nền kinh tế; trong đó bao gồm lĩnh vực BĐS. Động thái này đã hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân giảm bớt được áp lực trả nợ cũng như phát triển hoạt động kinh doanh mới.
Mặc dù vậy, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản TP.HCM còn yếu, lượng giao dịch còn thấp bởi khách mua nhà vẫn còn tâm lý thận trọng về vấn đề tài chính cũng như “chờ” bắt đáy thị trường. Thông thường người dân chủ yếu sẽ gửi khoản tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm ngân hàng thay vì đem đi đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, để có thể thúc đẩy phát triển thị trường địa ốc, các chủ đầu tư cần chuyển hướng tập trung phát triển phân khúc nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp. Bởi trong Q1 vừa qua lượng truy cập tìm kiếm “nhà ở xã hội” đã tăng vọt lên 139% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong 2 năm vừa qua, nguồn cung mới của phân khúc này còn khan hiếm.
Việc định hướng lại đầu tư phân khúc nhà ở có mức giá bình dân sẽ khiến doanh nghiệp BĐS giảm được áp lực tài chính, bán được nhiều sản phẩm hơn và phục vụ được nhu cầu của nhiều người dân.