Sau 4 đợt biến động mạnh kể từ đầu tháng 4/2022, VN-Index đã đánh rơi gần 500 điểm - tương ứng mức giảm 32% chỉ sau nửa năm. Hơn hết, mốc 1.000 đang hiện hữu.
VN-Index giảm 17% sau 1 tháng
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên cuối tuần tồi tệ và thêm 1 tuần giảm sâu từ 3 - 7/10/2022.
Riêng phiên 7/10, VN-Index giảm 3,59% - tương đương mất gần 39 điểm và đóng cửa ở mức 1.036 điểm; VN30-Index cũng giảm 3,87% xuống còn 1.039,5 điểm. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index mất lần lượt 3,84% và 2,95%
Trong một tháng qua, VN-Index thậm chí đã mất gần 17% và là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong khi VN30-Index cũng giảm xấp xỉ 18% trong một tháng.
Điều đáng nói hơn là sau 4 đợt biến động mạnh kể từ đầu tháng 4/2022 (trong đó có 3 nhịp giảm và 1 nhịp tăng), VN-Index đã đánh rơi gần 500 điểm - tương ứng mức giảm 32% chỉ sau nửa năm.
Dẫn nguồn Bloomberg, VN-Index xuống thấp nhất gần hai năm giữa làn sóng bán giải chấp và những lo ngại về lãi suất tăng.
Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam xấu đi rõ rệt sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo nâng lãi suất thêm 1% hôm 22/9 để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời là sự lo ngại về việc VND giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong tuần qua.
Bloomberg dẫn lời ông Phùng Trung Kiên - nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings nhận định: “Áp lực call margin gần đây đã buộc các nhà đầu tư phải bán bớt cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn chưa kết thúc.
Dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu thời gian gần đây khá èo uột do hầu hết những loại lãi suất quan trọng đã tăng rất nhiều”.
Dòng tiền chảy ra khỏi thị trường cũng gây áp lực giảm đối với cổ phiếu khi khối ngoại đã bán ròng trong 7 tuần liên tiếp đưa tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đến nay lên 95 triệu USD.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối khách hàng tổ chức tại Chứng khoán SSI chia sẻ với Bloomberg: “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rất hoảng loạn dẫn đến tình trạng bán tháo mọi cổ phiếu bất chấp đó là cổ phiếu gì”.
VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên 10/12/2020, VN30-Index đang ở đáy kể từ ngày 18/12/2020. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.
Có khả năng mất mốc 1.000?
Việc thị trường liên tục xuyên phá các vùng hỗ trợ quan trọng khiến nhà đầu tư bắt đầu nghĩ đến khả năng VN-Index "thủng" mốc 1.000 điểm. Tại vùng giá này, cách đây khoảng 3 tháng, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment từng nhận định VN-Index sẽ rơi về mức 950 điểm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Lã Giang Trung (ảnh trái)
Trả lời Nhà đầu tư về cơ sở nào để đưa ra dự báo này mới đây cũng như nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán trong ngắn, trung và dài hạn, ông Lã Giang Trung nhấn mạnh: "Quan điểm của tôi về việc VN-Index về mức 950 chưa thay đổi. Cơ sở dự báo này dựa vào quá trình bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Chính sách thắt chặt sẽ làm giảm thanh khoản.
Quá trình vừa qua là thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ và thị trường chứng khoán giảm từ đấy cho đến bây giờ. Quá trình đi xuống này sẽ dừng lại khi việc thắt chặt tiền tệ dừng lại và chuyển sang nới lỏng.
Trong ngắn hạn, biến động của các chỉ số phụ thuộc vào thời gian áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, thời gian áp dụng lâu thì thị trường sẽ còn đi xuống.
Nếu xét trong trung hạn (1 năm), VN-Index sẽ tốt hơn so với thời điểm hiện tại bởi theo dự báo đến tháng 3/2023, Fed sẽ dừng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Tất nhiên thị trường sẽ có lúc tăng lúc giảm song khi kinh tế phát triển thì thị trường chứng khoán trong dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng và hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao mới".
Passion Investment đã chiến thắng thị trường?
Về phần Passion Investment, ngày 5/8, công ty đã công bố hiệu suất âm 4,24% từ đầu năm 2022 - cải thiện so với mức âm 7,37% trước đó chỉ 1 tuần và đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Mức tăng 3% trong 1 tuần đánh dấu trạng thái thay đổi mạnh bởi Passion Investment đã không nắm giữ cổ phiếu trong nhiều tháng liên tiếp mà chỉ gửi tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, ông Trung phản biện: "Hiện chúng tôi chưa giải ngân. Trước đó vào tháng 7, khi thị trường hồi phục, chúng tôi có giải ngân một phần song cũng đã bán hết.
Trong xu hướng thị trường đang đi xuống, việc giải ngân thực chất là hoạt động bắt đáy vào đợt sóng hồi. Tuy vậy, rủi ro hiện khá cao. Nếu có giải ngân, chúng tôi chỉ tham gia một tỷ trọng rất nhỏ".
Đáng nói hơn, việc hiệu suất đầu tư chỉ âm nhẹ được cho là tương đối thành công nếu so với mặt bằng chung của các quỹ đầu tư đang hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt. Quỹ ngoại PYN Elite Fund của ông Petri Deryng (từng thuộc top 3 quỹ ngoại có quy mô danh mục hơn 1 tỷ USD) mới đây cho biết đang ghi nhận hiệu suất âm kể từ đầu năm.
Ông Petri Deryng - người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund
Theo công bố của PYN Elite Fund, trong tháng 9, hiệu suất đầu tư của quỹ âm 13,34%; lũy kế 9 tháng đầu năm âm tới 28,77% (tương đương VN-Index) qua đó số tiền bị “bốc hơi” lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Tại Talkshow Bí mật đồng tiền mới phát sóng, ông Petri Deryng chia sẻ đã bỏ tiền túi để bỏ vào quỹ đầu tư hồi cuối tháng 5 và giờ đang lỗ khoảng 15% trên số tiền mới. Ông nói rằng nhà quản lý quỹ nhiều khi cũng mắc sai lầm và khó rút được bài học từ sai lầm.
3 cổ phiếu ngân hàng cùng lập đỉnh lịch sử phiên sáng 25/12 
VinaCapital kỳ vọng VN-Index tăng 20% trong năm 2025, nhóm chứng khoán chỉ tăng 1%