Thị trường 'nín thở' chờ 'cú đúp' thông tin quan trọng trong đêm ngày 12/6
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắc không hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 6. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư quan tâm hơn là định hướng lộ trình hạ lãi suất trong nửa cuối năm.
Dữ liệu CPI lõi tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố vào tối ngày 12/6 (giờ Việt Nam), đây là chỉ số quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) căn cứ đưa ra quyết định trong việc điều hành lãi suất. Hiện tại, CPI lõi được dự báo tăng 0,3% so với tháng liền trước (MoM) và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm (YoY). Trong tháng 4, CPI lõi tăng 0,3% (MoM) và 3,6% (YoY).
Sau đó vài giờ, cuộc họp báo FOMC sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 13/6 để quyết định lãi suất điều hành và định hướng chính sách tiền tệ nửa cuối năm 2024.
Nguồn: CME Group |
Theo dữ liệu từ CME Group, cuộc họp lần này gần như chắc chắc Fed sẽ không hạ lãi suất với tỷ lệ giữ mức lãi suất 5,25% - 5,5% ở mức 99,5%. Dù vậy, cuộc họp sắp tới vẫn tạo ra sự quan tâm lớn, bởi giới đầu tư đang chờ đợi Fed hé lộ thêm thông tin về lộ trình lãi suất trong phần còn lại của năm nay. Kỳ vọng hạ lãi suất chỉ thật sự rõ nét bắt đầu tháng 8 khi tỷ lệ hạ về 4,75% - 5,25% lên đến 50,8%. Đến tháng 12, tỷ lệ Fed giữ nguyên lãi suất chỉ còn 12,1%.
Việc hạ lãi suất này đến tương đối trễ, vì trong cuộc họp cuối năm 2023, nhiều chuyên gia bỏ ngỏ khả năng Fed sẽ có 3 - 4 đợt hạ lãi suất trong năm 2024 và có thể bắt đầu từ tháng 4.
Hiện tại, Fed đang gặp khó trong việc hạ lãi suất sớm bởi nền kinh tế Mỹ có số lượng việc làm mới trong tháng 5 vừa qua vượt xa kỳ vọng. Cụ thể, bản báo cáo được chờ đợi do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 7/6 cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 272.000 việc làm trong tháng trước, tăng mạnh so với con số 165.000 công việc mới của tháng 4 và vượt xa con số 190.000 công việc mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Điều này dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ còn gia tăng.
VN-Index tiếp tục đi ngang |
Tâm lý chờ đợi diễn ra, thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 10/6. Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 13,9 điểm (+0,26%) lên 5.360,66 điểm. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 59,40 điểm (+0,35%) lên 17.192,53 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 69,11 điểm (+0,19%), đóng cửa ở mức 38.874,54 điểm.
Ở thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/6, VN-Index giảm 6,26 điểm về 1.284,41 điểm. Chỉ số đã có 6 phiên đi ngang trong biên 1.280 - 1.295 điểm, cũng là vùng đỉnh cũ hồi tháng 3. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.845,3 tỷ đồng, trong 10 phiên gần nhất, nhóm này bán ròng 8.948 tỷ đồng.
Được biết, Fed duy trì nền lãi suất cao đã gây ra chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD khi Việt Nam hạ lãi suất điều hành từ giai đoạn đầu năm 2023. Điều này làm gia tăng áp lực lên tỷ giá, cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến đà bán ròng của nhóm nhà đầu tư ngoại.
>> VN-Index giảm 6 điểm, cổ phiếu thép, chứng khoán 'giải cứu' thị trường
VNDirect (VND) làm gì với gần 6.000 tỷ đồng dự kiến huy động trong giai đoạn 2024-2025? 
Sabeco (SAB) chuẩn bị bao nhiêu lít bia cho mùa EURO và Olympic 2024?