Thị trường thép xây dựng đạt kỷ lục tiêu thụ hơn 1,25 triệu tấn sau gần 3 năm
Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ thép xây dựng đạt hơn 9,96 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tổng lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong tháng vừa qua đạt gần 2,74 triệu tấn, tăng 9,4% so với tháng 9 và tăng vọt 22,5% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ các nhóm sản phẩm chính như thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và SPM. Đáng chú ý, sự khởi sắc này chủ yếu nhờ thị trường nội địa, trong khi tình hình xuất khẩu vẫn khá ảm đạm.
Riêng thép xây dựng, lượng tiêu thụ đạt hơn 1,25 triệu tấn, tăng gần 34% so với tháng trước và 44% so với cùng kỳ năm 2023, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Đặc biệt, lượng thép xây dựng bán ra vượt sản lượng sản xuất trong tháng tới 185.000 tấn, thể hiện sức mua mạnh mẽ từ thị trường.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ thép xây dựng đạt hơn 9,96 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu phục hồi ấn tượng của sức mua.
Tình hình sản xuất thép thành phẩm qua từng giai đoạn. Nguồn: VSA |
Đáng chú ý, mức tiêu thụ này vẫn tăng trưởng ổn định dù trong tháng 10, giá thép xây dựng đã trải qua 5 lần điều chỉnh tăng liên tiếp. Cụ thể, thép cuộn CB240 của Hòa Phát hiện có giá 13,94 triệu đồng mỗi tấn, tăng thêm 510.000 đồng sau các lần điều chỉnh. Thép thanh vằn D10 CB300 cũng tăng giá lên khoảng 14,14 triệu đồng mỗi tấn, cao hơn 740.000 đồng so với giữa tháng 9.
Không chỉ Hòa Phát, nhiều thương hiệu lớn như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... cũng đồng loạt tăng giá bán. Hiện tại, giá thép xây dựng đã trở về mức ngang với giai đoạn giữa tháng 6.
Trong tháng 10 và tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG ), ông Trần Đình Long, cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã đến châu Âu để tìm hiểu thực tế tại các nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới.
Mục tiêu của chuyến đi là nghiên cứu cách bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ, phương thức vận hành sản xuất, và các quy trình kiểm tra chất lượng toàn diện. Tất cả những yếu tố này nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng vượt trội cho đường sắt tốc độ cao.
Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực sản xuất thép, Hòa Phát đã bắt đầu đàm phán hợp tác với các đối tác và nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép hàng đầu thế giới.
Được biết, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhiều lần khẳng định rằng Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là thép dùng để làm đường ray.
Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)? 
Đại gia ngành thép 15 năm trước giờ lâm cảnh lỗ nghìn tỷ sau 10 quý